Viêm Da Tiếp Xúc Ở Trẻ Em: Cách Chăm Sóc Và Điều Trị Hiệu Quả
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là một trong những dạng tổn thương ngoài da cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh thường khởi phát khi làn da của trẻ tiếp xúc với các dị nguyên hoặc tác nhân dị ứng. Bệnh không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em thuộc nhóm bệnh viêm da tiếp xúc nói chung. Đây là căn bệnh da liễu cực kỳ phổ biến và trẻ em là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bởi làn da của trẻ vốn rất mỏng manh cộng với sức đề kháng còn yếu ớt, chưa hoàn thiện khiến da dễ bị kích ứng và bị tổn thương.
Việc trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, nọc độc côn trùng, nhựa độc thực vật, hóa chất tẩy rửa có hại… là nguyên nhân kích phát phản ứng dị ứng ngay tại vùng da tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Bệnh diễn tiến rất nhanh và chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ và giảm thẩm mỹ, để lại sẹo xấu trên da.
Nguyên nhân do đâu gây ra viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Chúng ta đều biết rằng làn da của trẻ em tương đối mỏng manh và rất dễ bị kích ứng bởi các tác nhân, yếu tố nguy cơ từ môi trường, thời tiết và nhiều thứ khác. Cụ thể, các chuyên gia da liễu đã chia nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc ở trẻ em là do trẻ tiếp xúc với 2 nhóm chất sau:
- Nhóm chất gây kích ứng: Hầu hết trẻ em bị viêm da tiếp xúc (khoảng 80%) đều do tiếp xúc với các chất kích ứng như hóa chất độc hại, dung dịch tẩy rửa, nguồn nước bẩn… Đây là những thứ gây ra viêm da tiếp xúc trực trực tiếp mà không thông qua cơ chế gây dị ứng.
- Nhóm chất gây dị ứng: Có khoảng 20% tỷ lệ nhóm trẻ em mắc bệnh do các tác nhân dị ứng do tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như phấn hoa, lông động vật, thời tiết lạnh… Cơ chế gây ra tổn thương da thông qua việc kích thích hệ miễn dịch quá mức, giải phóng các loại hóa chất trung gian trong cơ thể như histamine, IgE, Prostaglandin… gây dị ứng và hàng loạt các triệu chứng lâm sàng khác.
Có thể kể đến một số tác nhân cụ thể gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em như:
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, nước tẩy rửa, rác thải sinh hoạt, các chất dung môi công nghiệp, xà phòng, nước xả vải, bột giặt…
- Tiếp xúc các chất kim loại như niken, coabn, inox, sắt, bạc…
- Cho trẻ tiếp xúc với các loại đồ chơi làm bằng cao su hoặc lạm dụng núm ti giả.
- Trẻ mặc quần áo quá chật, bó sát vào cơ thể và tạo ra sự ma sát cho làn da, dần dần khởi phát các triệu chứng kích ứng.
- Viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn hoặc tiếp xúc với nhựa mủ của thực vật có độc.
- Viêm da tiếp xúc ở trẻ em cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau…
Ngoài các tác nhân dị ứng vừa kể trên, một số yếu tố khác có liên quan và được các chuyên gia xếp vào nhóm các nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ như:
- Yếu tố di truyền: Đây là đặc tính đặc trưng của hầu hết các bệnh lý da liễu như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, á sừng, vảy nến, tổ đỉa… Tỷ lệ thế hệ con cái mắc bệnh sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với người bình thường.
- Yếu tố cơ địa: Trẻ có cơ địa làn da yếu kém, dễ bị kích ứng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị viêm da tiếp xúc.
- Yếu tố giới tính: Theo các thống kê của giới khoa học, các bé gái có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các bé trai.
- Yếu tố sức khỏe: Trẻ sinh thiếu tháng, thiếu chất từ khi còn trong bụng mẹ khi chào đời thường rất nhẹ cân và có sức đề kháng yếu kém, nhạy cảm và dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em
Theo thống kê, có đến 50% tỷ lệ trẻ em bị viêm da tiếp xúc, chủ yếu là trong những năm đầu đời khi hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Những triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em sẽ bùng phát trực tiếp tại vùng da tiếp xúc với dị nguyên, thường là những vùng da hở như mặt, da đầu, tay, chân, đầu gối…
Có thể kể đến một số dấu hiệu cơ bản như:
- Trên da trẻ xuất hiện nốt ban đỏ, hồng hình tròn hoặc dài tùy theo kích thước của bề mặt vùng da tiếp xúc với dị nguyên.
- Chỉ sau vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc sẽ hình thành các đốm mụn nước, bọng nước, nặng hơn có thể làm da phồng rộp.
- Chúng có thể mọc khu trú hoặc rải rác trên khắp cơ thể tùy vào sự tiếp xúc.
- Bề mặt vùng da bị tổn thương dày sừng và nổi cộm mụn nước li ti.
- Chỉ sau 2 – 3 ngày, mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại và hình thành vảy tiết bong tróc làm cho da bị sần sùi tạo cảm giác khó chịu khi sờ vào.
- Đi kèm là các triệu chứng như ngứa ngáy dữ dội, đau rát khiến trẻ bứt rứt, khó chịu và quấy khóc.
Lưu ý: Tùy vào từng trẻ mà các triệu chứng vừa kể trên có xảy ra hay không vì dấu hiệu ở mỗi trẻ là khác nhau. Chúng thường bùng phát đột ngột, tức thời và biến mất cũng rất nhanh. Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và thẩm mỹ của trẻ.
Trẻ em bị viêm da tiếp xúc có nguy hiểm không?
Các chuyên gia da liễu cho biết triệu chứng viêm da tiếp xúc ở trẻ em thường diễn tiến phức tạp và nặng nề hơn so với viêm da tiếp xúc ở người lớn. Tuy nhiên, dù vậy nhưng bản chất của căn bệnh này khá lành tính và không quá nguy hiểm. Điều nguy hiểm nhất chính nằm ở chỗ bệnh có tính chất mạn tính, kéo dài dai dẳng và dễ tái phát khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ bú và quấy khóc cả ngày lẫn đêm.
Ở mỗi đợt bùng phát bệnh nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách khiến bệnh kéo dài quá lâu sẽ khiến trẻ biếng ăn, sụt cân, chậm phát triển hơn so với những trẻ em cùng độ tuổi. Thậm chí, nếu bố mẹ chủ quan không áp dụng các biện pháp điều trị tích cực, có thể dẫn đến một số hậu quả nặng nề như:
- Bội nhiễm: Ngứa ngáy quá mức khiến trẻ có hành động cào gãi, chà xát lên da để bớt ngứa hơn. Tuy nhiên, nếu để trẻ tự do làm điều này sẽ làm tăng nặng những tổn thương, trầy xước, lở loét và hậu quả là gây viêm da tiếp xúc bội nhiễm. Và khi đã bội nhiễm chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt các triệu chứng toàn thân khác như sốt, mệt mỏi, ngủ li bì…
- Hoại tử da: Đây được xem là biến chứng nặng nhất và xảy ra sau giai đoạn bội nhiễm nhưng không được điều trị kịp thời hoặc cho trẻ sử dụng quá liều các loại thuốc bôi chứa thành phần corticosteroid.
Biện pháp chẩn đoán trẻ em bị viêm da tiếp xúc
Để việc áp dụng các biện pháp điều trị bệnh đạt được hiệu quả như mong đợi, trước hết phải tiến hành thăm khám, chẩn đoán bệnh và tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ở trẻ em là gì. Theo các bác sĩ da liễu, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng thông qua việc quan sát đánh giá và kết quả xét nghiệm da để chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm da có tính chất, triệu chứng tương tự.
- Thăm hỏi tiền sử bệnh lý của cá nhân trẻ và của bố mẹ, anh chị em để loại trừ dần nguyên nhân.
- Thực hiện xét nghiệm test dị ứng da để đánh giá chính xác cấp độ dị ứng bằng cách cho da trẻ tiếp xúc với lượng nhỏ chất dị ứng và theo dõi quan sát phản ứng trong vòng 1 – 2 ngày.
- Nếu trẻ bị viêm da tiếp xúc do côn trùng cắn, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để xác định mức độ nặng hay nhẹ mà đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em bằng cách nào?
Bản chất của bệnh viêm da tiếp xúc ở trẻ em không khó để điều trị, kể cả ở giai đoạn mãn tính. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có khả năng cải thiện triệu chứng, kiểm soát tình trạng sức khỏe và phòng ngừa tái phát càng lâu càng tốt. Vì hầu hết trẻ bị viêm da tiếp xúc đều xuất phát từ cơ địa mẫn cảm nên rất khó điều trị dứt điểm tận gốc.
Gợi ý một số phương pháp điều trị hiệu quả được các chuyên gia da liễu khuyến khích áp dụng:
1. Điều trị tại nhà bằng các mẹo dân gian
Với những trường hợp trẻ bị viêm da tiếp xúc nhẹ, triệu chứng vừa khởi phát trên da, bố mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần áp dụng một vài mẹo điều trị tại nhà bằng thảo dược tự nhiên sẽ nhanh chóng cải thiện triệu chứng mà không cần phải dùng đến bất kỳ loại thuốc Tây nào.
Ưu điểm biện pháp điều trị này chính là hiệu quả, an toàn cho sức khỏe, lành tính với làn da do sử dụng dược liệu tự nhiên, không hóa chất. Nếu áp dụng đúng cách, chỉ dùng cho trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ chắc chắn sẽ đạt được kết quả rõ rệt từng ngày.
Một số loại dược liệu nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, sát trùng da hiệu quả như:
- Mật ong: Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mật ong là một trong những nguyên liệu tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm cực kỳ tốt. Đồng thời, trong mật ong còn có rất nhiều vitamin, khoáng chất có khả năng làm lành những tổn thương trên da, cải thiện hàng rào lipid bảo vệ da, thúc đẩy quá trình tự làm lành tổn thương và cấp ẩm, giảm ngứa ngáy, giảm khô bong tróc hiệu quả. Hằng ngày, mẹ dùng mật ong thoa đều lên vùng da bị tổn thương của trẻ, massage nhẹ nhàng rồi để yên 15 phút mới rửa lại bằng nước ấm, lau khô bằng khăn bông.
- Lá khế: Nấu một nồi nước lá khế lớn, trong quá trình nấu cho thêm muối biển để tăng công dụng. Cho nước lá khế ra thau, hòa thêm một ít nước lạnh và điều chỉnh nhiệt độ của nước vừa phải, phù hợp với làn da của trẻ để tránh gây bỏng trong quá trình sử dụng. Nên cho trẻ tắm nước lá khế với tần suất 2 – 3 lần/ tuần liên tục cho đến khi các triệu chứng được cải thiện hoàn toàn.
- Lá trầu không: Đây là loại lá rất quen thuộc và có rất nhiều công dụng có lợi đối với trẻ em, từ trị bệnh hô hấp, tiêu hóa cho đến da liễu. Chuẩn bị một nắm lá trầu không tươi, không sâu rầy và sơ chế sạch, cho vào nồi nước và nấu sôi bùng lên, khi nước ngả sang màu vàng nhạt thì tắt bếp. Sử dụng phần nước này tắm cho trẻ, để tăng hiệu quả mẹ có thể dùng bã lá chà xát nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương.
- Lá trà xanh: Với đặc tính chống oxy hóa mạnh, kháng viêm, sát khuẩn và thanh nhiệt, giải độc giúp lá trà xanh được biết đến với nhiều lợi ích tác dụng tốt cho sức khỏe. Cách thực hiện cũng tương tự như 2 cách trên, nấu thành nước tắm và dùng nó để tắm gội cho trẻ, thực hiện với tần suất vừa phải 2 – 3 lần/ tuần sẽ đạt được hiệu quả rất tốt.
- Lá sài đất: Dùng 100g lá sài đất tươi, rửa sạch và ngâm vào thau nước muối pha loãng khoảng 15 phút để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, bụi bẩn bám trên lá. Đun sôi nồi nước 2 lít và cho lá sài đất vào, thêm 1 thìa muối biển tiếp tục nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp. Hòa vào một ít nước lạnh sao cho nước vừa đủ ấm và dùng để tắm gội cho con.
Lưu ý: Vì chỉ là mẹo dân gian chưa được khoa học chứng minh nên bố mẹ chỉ nên nấu nước tắm cho trẻ, không dùng các loại lá này để điều chế thành bài thuốc uống hay thuốc bôi cho trẻ sử dụng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng.
2. Dùng thuốc Tây điều trị viêm da tiếp xúc khi cần thiết
Với những trường hợp trẻ bị viêm da tiếp xúc mức độ trung bình và nặng bắt buộc phải được thăm khám tại bệnh viện. Lúc này tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp với mức độ bệnh, thể trạng, cơ địa và độ tuổi của trẻ. Thuốc trị viêm da tiếp xúc được chia làm 2 nhóm chính là thuốc dạng bôi và thuốc dạng uống.
Thuốc bôi ngoài da điều trị tại chỗ
- Hồ nước: Đây là dung dịch sát khuẩn phổ biến có tác dụng làm sạch vùng da bị tổn thương, có tính kháng khuẩn nhẹ và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.
- Dung dịch thuốc tím: Khi có dấu hiệu viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng loại dung dịch sát khuẩn mạnh hơn đó là thuốc tím. Có thể dùng thuốc thoa trực tiếp lên vùng da bị tổn thương hoặc pha vào nước ấm và tắm cho trẻ ngày 2 – 3 lần.
- Dung dịch Jarish: cũng tương tự như 2 loại dung dịch ở trêm dung dịch Jarish có khả năng sát khuẩn nhẹ, vệ sinh da và hỗ trợ làm giảm triệu chứng sưng viêm, ngứa ngáy, đau rát.
- Kem bôi, thuốc mỡ chứa corticoid: Hầu hết những trường hợp trẻ bị viêm da tiếp xúc đều được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này và đạt được hiệu quả điều trị triệu chứng rõ rệt. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như: Fluocinolone, Hydrocortison… Tuy nhiên, dù hiệu quả nhưng thuốc lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, tuyệt đối không lạm dụng thuốc quá mức vượt quá mức cho phép, thường thì nhóm thuốc này chỉ được chỉ định sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi và sử dụng không quá 4 tuần.
Thuốc uống điều trị triệu chứng toàn thân
- Thuốc kháng histamine: Đây là loại thuốc uống thường được chỉ định sử dụng cho trẻ nhỏ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, ức chế quá trình giải phóng histamine, từ đó giảm ngứa ngáy, ngăn ngừa viêm nhiễm và phòng ngừa các tổn thương lây lan trên diện rộng.
- Thuốc kháng sinh: Những đứa trẻ bị viêm da tiếp xúc mức độ nặng, bắt đầu có những dấu hiệu viêm nhiễm, bội nhiễm như rỉ dịch, lở loét sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của bác sĩ và phải tuân thủ tuyệt đối liều dùng vì nguy cơ gây rủi ro của thuốc rất cao.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Vài trẻ khi bị viêm da tiếp xúc không chỉ khó chịu với các triệu chứng ngoài da mà còn rất mệt mỏi vì những triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kiệt sức… Khi bộc phát triệu chứng, bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt, phổ biến nhất là Paracetamo vì hiệu quả cao và có thể sử dụng được cho trẻ em trên 2 tuổi.
3. Điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em theo Đông y
Không thể phủ nhận công dụng của phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ bằng thuốc Tây, tuy nhiên vì e ngại tác dụng phụ của thuốc mà nhiều bậc phụ huynh chọn cách điều trị khác lành tính và an toàn hơn, đó là các bài thuốc Đông y. Việc tận dụng nguồn dược liệu tự nhiên có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn không chỉ giúp giảm ngứa, ngăn vừa viêm nhiễm hiệu quả mà còn rất lành tính, an toàn, tăng cường bồi bổ sức đề kháng cho trẻ.
Tuy nhiên, sự kết hợp của các vị thuốc tạo ra nước thuốc khá khó uống nên không phải trẻ nào cũng chịu sử dụng. Bên cạnh đó, so với thuốc Tây thì biện pháp này thường cho hiệu quả khá chậm và đòi hỏi thời gian cũng như công sức sắc thuốc hằng ngày. Do đó, hãy cân nhắc kỹ trước khi cho trẻ sử dụng, tránh tình trạng bỏ ngang.
Bài thuốc Đông y chữa viêm da tiếp xúc cho trẻ em được chia làm 2 thể gồm:
- Thể phong nhiệt: Bài thuốc đặc trị Ngân kiều tán gia giảm với các vị thuốc gồm: kim ngân hoa, đậu cổ, liên kiều, cát cánh, mộc thông, kinh giới, ngưu bàng, cam thảo, lá tre, bạc hà và bạch truật (liều lượng do thầy thuốc kê toa). Cho các vị thuốc đã chuẩn bị vào siêu thuốc, sắc cùng 3 chén nước lớn và đun trên lửa vừa. Khi thấy nước thuốc trong cạn xuống còn một nửa thì tắt bếp, chỉ lọc lấy nước thuốc, bỏ bã và chia đều làm 3 phần uống hết trong ngày. Liều dùng tối đa 1 thang/ ngày.
- Thể huyết nhiệt: Bài thuốc đặc trị Thanh ôn Bại độc ẩm gia giảm. Chuẩn bị đầy đủ các vị thuốc sau đây: huyền sâm, cát cánh, sơn chi, sinh địa, hoàng cầm, liên kiều, tê giác, thạch cao, đan bì, tri mẫu, cam thảo, hoàng liên và trúc diệp. Cho các vị thuốc đã chuẩn bị vào siêu, đổ nước ngập bề mặt và sắc cho đến khi nước thuốc cạn xuống còn một nửa, tắt bếp và chắt lấy phần nước thuốc ra chén dùng hết trong ngày.
Lưu ý: Điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ bằng Đông y chỉ đạt được hiệu quả khi bố mẹ đưa trẻ đi khám tại các cơ sở, bệnh viện y học cổ truyền uy tín, được cấp phép hoạt động. Về các vị thuốc chữa bệnh nên mua trực tiếp tại nhà thuốc của bệnh viện hoặc các hiệu thuốc Đông y lớn, có tiếng và lâu đời để tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
4. Kết hợp chăm sóc kỹ lưỡng tại nhà
Để hỗ trợ quá trình điều trị viêm da tiếp xúc ở trẻ em đạt được hiệu quả tốt nhất, rút ngắn thời gian sử dụng các loại thuốc và giúp con trở lại cuộc sống bình thường, ăn uống sinh hoạt khỏe mạnh, phụ huynh có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chăm sóc tại nhà đơn giản sau:
- Cho trẻ tắm nước mát: Nước mát pha với vài giọt tinh dầu tắm cho trẻ vào những ngày không tắm nước lá giúp hỗ trợ loại bỏ tác nhân dị ứng và làm dịu, cải thiện cơn ngứa ngáy khó chịu trên da của con.
- Bôi kem dưỡng ẩm: Đây cũng là cách hiệu quả giúp cải thiện triệu chứng, giảm mức độ tổn thương và nâng cao sức đề kháng cho làn da. Phụ huynh có thể tham khả và chọn lựa một số loại kem bôi dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ em có chứa các thành phần như Glycerin, Aloe vera, Oat extract…
- Dùng sản phẩm bảo vệ da: Cụ thể là cho trẻ sử dụng kem chống nắng mỗi khi cho trẻ ra ngoài. Đồng thời, hạn chế để trẻ hoạt động quá mức trong điều kiện thời tiết nóng bức, dễ làm đổ mồ hôi vì sẽ càng làm tăng mức độ tổn thương.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi: Trẻ em nên được cho mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thấm hút, không nên mặc quần áo bó sát nhất là tại vùng da đang bị viêm.
- Thay đổi thực đơn: Ưu tiên cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như trái cây, rau xanh, các loại hạt, cá hồi… thay cho các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, thịt bò… Tiêu thụ nhóm thực phẩm này càng làm khởi phát các triệu chứng dị ứng như phát ban, bé bị nổi mề đay toàn thân, bùng phát cơn ngứa và tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn: Trẻ uống đủ nước mỗi ngày có khả năng điều hòa sự hoạt động ổn định của hệ miễn dịch, giảm ngứa ngáy rất tốt. Nếu trẻ không thích uống nhiều nước, mẹ nên cho trẻ uống xen kẽ một vài loại nước ép thơm ngon cũng rất tốt.
- Nhắc nhở trẻ không cào gãi: Đối với trẻ lớn hãy nhắc trẻ không nên dùng tay cào gãi lên vùng da bị tổn thương, thay vào đó hướng dẫn trẻ chườm lạnh để giảm ngứa hiệu quả. Đối với trẻ nhỏ nên bôi kem dưỡng ẩm để làm dịu bớt cảm giác ngứa, đeo bao tay và cắt ngắn móng cho con.
Một số biện pháp phòng ngừa tái phát viêm da tiếp xúc hiệu quả
Cũng tương tự người lớn, trẻ em bị viêm da tiếp xúc rất dễ tái phát nếu gặp yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, do trẻ vẫn chưa ý thức được việc tự bảo vệ bản thân nên các bậc phụ huynh sẽ là người thực hiện điều này cho bé:
- Luôn giữ vệ sinh thân thể trẻ, từ đầu đến chân. Đồng thời, giữ vệ sinh không gian sống trong nhà, đặc biệt là những khu vực trẻ thường xuyên sinh hoạt như phòng ngủ, chỗ học tập, chỗ vui chơi…
- Định kỳ phun khử khuẩn và thuốc diệt côn trùng để hạn chế tối đa nguy cơ tiềm ẩn các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm men.
- Nhắc nhở trẻ hạn chế vui chơi ở những nơi có nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt.
- Buổi tối khi ngủ nên tắt đèn, đóng cửa cẩn thận và dùng màn che để tránh các loại côn trùng tấn công, điển hình như bị muỗi, rết hay kiến ba khoang cắn.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, cân đối thời gian học tập và nghỉ ngơi để tăng cường sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là căn bệnh da liễu không quá nguy hiểm. Tuy nhiên bố mẹ tuyệt đối không được lơ là chủ quan trong điều trị và chăm sóc. Chỉ cần áp dụng đúng biện pháp điều trị, ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn và chăm sóc phục hồi sẽ giúp làn da của trẻ nhanh chóng phục hồi lại như ban đầu, không để lại sẹo xấu. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện khi cần để được thăm khám và tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Xem Thêm:
- Cách Phân Biệt Bệnh Zona và Viêm Da Tiếp Xúc Chính Xác
- Viêm Da Tiếp Xúc Dị Ứng Ở Mặt: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!