Bệnh Viêm Họng Hạt Có Lây Không? Lây Như Thế Nào?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bệnh viêm họng hạt có lây không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này, đồng thời trang bị thêm kiến thức để chủ động phòng ngừa viêm họng hạt và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Viêm họng hạt có lây không? Lây như thế nào?
Viêm họng hạt thực chất là một dạng viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi triệu chứng dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh lý này xảy ra khi viêm nhiễm họng kéo dài dẫn đến tình trạng tăng sản các hạch lympho, kết quả là xuất hiện các hạt có màu hồng, đỏ nổi cộm và không đau ở thành họng. Tình trạng tăng sản quá mức của hạch lympho gây ra cảm giác vướng víu, nghẹn và khó chịu khi sinh hoạt.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý này là viêm mũi xoang mãn tính khiến cho dịch từ các xoang chảy xuống cổ họng trong thời gian dài. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm niêm mạc họng dai dẳng và kéo dài. Lúc này, hạch lympho phải bắt giữ và tiêu diệt vi khuẩn liên tục nên dẫn đến hiện tượng quá phát.
Ngoài ra, viêm họng hạt cũng có thể xảy ra do viêm amidan mãn tính, sinh sống trong môi ô nhiễm, hút thuốc lá, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại và do trào ngược dạ dày thực quản. Các nguyên nhân này đều gây ra tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc họng, hệ quả là khiến hạch lympho tăng sản và hình thành các hạt nổi cộm ở thành họng.
Dù không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng viêm họng hạt rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn về vấn đề “Bệnh viêm họng hạt có lây không?”.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng hạt. Trong trường hợp xảy ra do nhiễm khuẩn (viêm amidan mãn tính, viêm họng cấp kéo dài và viêm xoang gây ứ đọng đờm ở cổ họng), bệnh có khả năng lây sang người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những trường hợp bị viêm họng hạt do các nguyên nhân không nhiễm trùng như hút thuốc lá, trào ngược dạ dày, tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn,… hoàn toàn không lây nhiễm.
Vi khuẩn gây viêm họng hạt tồn tại trong nước bọt và dịch tiết hô hấp. Do đó, bệnh có thể lây nhiễm qua các hoạt động như:
- Hôn môi
- Giao tiếp thân mật
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như ly, thìa, muỗng, chén,…
- Ăn uống chung
- Tiếp xúc gián tiếp qua đồ vật của người mắc bệnh nhưng không rửa tay trước khi ăn uống
Vi khuẩn gây viêm họng hạt sẽ lây nhiễm qua mũi, miệng, sau đó xâm nhập và gây viêm nhiễm niêm mạc họng. Tuy nhiên, người bị nhiễm vi khuẩn sẽ gặp phải tình trạng viêm họng hoặc viêm amidan cấp. Sau một thời gian không điều trị, vi khuẩn tiếp tục phát triển gây viêm nhiễm kéo dài dẫn đến hạch lympho tăng sản và nổi các hạt đỏ, hồng ở thành họng.
Phòng ngừa viêm họng hạt bằng cách nào?
Viêm họng hạt là bệnh hô hấp khá phổ biến ở người trưởng thành. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống và giao tiếp. Hơn nữa, viêm họng hạt không được điều trị dứt điểm sẽ tăng nguy cơ bùng phát viêm họng cấp khi chuyển mùa và gây hôi miệng dai dẳng. Do đó, việc chủ động phòng ngừa viêm họng hạt là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm họng hạt:
1. Điều trị dứt điểm các bệnh hô hấp mãn tính
Viêm họng hạt thường xảy ra ở người bị viêm xoang mãn tính, viêm amidan mãn tính, viêm VA và một số bệnh hô hấp khác. Các bệnh lý này tiến triển lâu ngày khiến vi khuẩn phát triển và lây lan xuống niêm mạc họng dẫn đến viêm nhiễm dai dẳng, kéo dài. Từ đó khiến hạch lympho phải hoạt động liên tục để tiêu diệt vi khuẩn gây ra tình trạng quá phát và tăng sản.
Để phòng ngừa viêm họng hạt, bạn cần điều trị dứt điểm các bệnh hô hấp mãn tính kể trên. Khi các bệnh lý này được chữa trị và kiểm soát, nguy cơ bị viêm họng hạt sẽ giảm đi đáng kể. Tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt VA, amidan và polyp mũi xoang. Ngoài ra, bạn cũng cần kết hợp với biện pháp chăm sóc hợp lý để kiểm soát hoàn toàn các bệnh lý này.
2. Thay đổi các thói quen xấu
Viêm họng hạt có thể xảy ra do các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn và không khí ô nhiễm. Do đó ngoài kiểm soát các chứng bệnh hô hấp mãn tính, bạn cũng cần thay đổi một số thói quen xấu để bảo vệ sức khỏe nói chung và cơ quan hô hấp nói riêng.
Để phòng ngừa bệnh viêm họng hạt, nên thay đổi các thói quen xấu như:
- Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động. Ngoài ra, bạn cũng cần đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế hít phải bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm. Nếu tính chất công việc phải tiếp xúc với hóa chất và bụi vải thường xuyên, bạn nên dùng khẩu trang chuyên dụng và đeo kính bảo hộ để bảo mắt và cơ quan hô hấp.
- Tiếp xúc với chất dị ứng và kích ứng có thể làm tăng nguy cơ viêm họng hạt. Vì vậy, bạn nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, trồng thêm cây xanh và sử dụng máy lọc không khí để làm sạch các chất dị ứng, kích ứng.
- Sử dụng rượu thường xuyên có thể gây kích ứng cổ họng, từ đó tăng phản ứng viêm và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm thành họng. Hơn nữa, uống nhiều rượu còn gia tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Do đó để phòng ngừa viêm họng hạt, bạn cần tránh sử dụng đồ uống chứa cồn.
- Vào mùa phấn hoa và thời điểm chuyển mùa đông xuân, bạn nên đeo khẩu trang và giữ ấm cổ để phòng ngừa các bệnh hô hấp. Khi về nhà nên rửa sạch tay và súc miệng với nước muối ấm. Bởi đây là thời điểm virus phát triển mạnh trong không khí nên có thể bùng phát mạnh mẽ các bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản,…
3. Thăm khám và điều trị sớm bệnh viêm họng
Viêm họng cấp không được điều trị dứt điểm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm họng mãn tính. Chính vì vậy khi mắc phải bệnh lý này, bạn cần thăm khám và điều trị sớm. Nếu được chăm sóc tốt, viêm họng có thể thuyên giảm sau 7 – 14 ngày.
Đối với viêm họng do virus, điều trị chủ yếu là chăm sóc tại nhà và sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng như thuốc hạ sốt, corticoid dạng khí dung, thuốc trị ho, long đờm và thuốc kháng histamine H1. Nếu viêm họng xảy ra do vi khuẩn, phương pháp chính là dùng kháng sinh và sử dụng thuốc điều trị triệu chứng.
Ngoài dùng thuốc, bạn cũng cần ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để nâng đỡ thể trạng. Trong trường hợp điều trị sớm, đúng cách và chăm sóc phù hợp, bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn sau vài tuần, từ đó hạn chế được nguy cơ tiến triển mãn tính và chuyển biến thành viêm họng hạt.
4. Giữ vệ sinh răng miệng
Dịch đờm ứ lâu ngày ở cổ họng là điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm thành họng. Vì vậy, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng để làm sạch dịch đờm và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
Trong một số trường hợp, viêm họng cũng có thể xảy ra do sự phát triển quá mức của các hại khuẩn thường trú trong khoang miệng. Do đó, giữ gìn vệ sinh răng miệng là biện pháp cần thiết giúp bảo vệ cơ quan hô hấp và phòng ngừa viêm họng hạt hiệu quả.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp phòng ngừa viêm họng hạt:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa trong khoang miệng. Tích tụ nhiều mảng bám chính là điều kiện thuận lợi làm gia tăng số lượng hại khuẩn, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa và hô hấp.
- Nên súc miệng với nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn như Hexetidine, Chlorhexidine 1 – 2 lần mỗi ngày để ngăn ngừa vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên súc miệng với nước muối pha loãng sau khi ra ngoài trời vào thời điểm các bệnh viêm đường hô hấp bùng phát.
- Giữ ấm cổ và mang khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh để hạn chế di nguyên xâm nhập vào mũi, họng.
Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng, bạn cũng cần tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên. Vào thời điểm các bệnh viêm đường hô hấp bùng phát, có thể dùng viên uống bổ sung vitamin C, kẽm và tăng cường thêm các loại thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn để bảo vệ sức khỏe.
5. Kiểm soát chứng trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày đặc trưng bởi tình trạng dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên khoang họng. Dịch vị dạ dày có độ pH axit nên có thể gây kích ứng niêm mạc họng. Theo thời gian, thành họng bị viêm mãn tính và nổi các hạt lympho.
Nếu mắc phải chứng bệnh này, nguy cơ bị viêm họng hạt sẽ tăng lên đáng kể. Do đó để phòng ngừa bệnh, bạn nên điều trị y tế và điều chỉnh lối sống nhằm kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản.
6. Tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh hô hấp
Đa phần các bệnh lý hô hấp đều có khả năng lây nhiễm thông qua hoạt động giao tiếp, hôn môi, ăn uống và sử dụng chung các vật liệu cá nhân. Vì vậy, bạn nên tránh tiếp xúc với người bị viêm họng hạt và mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Vi khuẩn trong dịch tiết hô hấp có thể bắn ra không khí khi nói chuyện và hắt hơi. Để tránh nhiễm vi khuẩn, nên mang khẩu trang khi đến nơi đông người và hạn chế ăn uống thân mật với người mắc bệnh. Ngoài ra, cần rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi dùng vật dụng công cộng và trước khi ăn.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Bệnh viêm họng hạt có lây không? Lây như thế nào?” và biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nếu có nguy cơ cao mắc bệnh lý này, bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn về các biện pháp phòng ngừa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!