Viêm Xoang Sàng Trước, Sau: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm xoang sàng là thể bệnh nhiễm trùng gây viêm xoang phổ biến và được đánh giá nguy hiểm hơn so với các thể khác vì các biến chứng của bệnh gây ra rất khó lường nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của viêm xoang sàng trước, sau cũng tương tự như nhiều dạng xoang khác nên rất khó để phát hiện bệnh sớm.
Viêm xoang sàng trước, sau là gì?
Về mặt cấu tạo, xoang sàng nằm ở vị trí dưới trán, chính giữa hai mắt và phía trên của hốc mũi. Chi tiết bên trong bao gồm 4 hốc xoang rỗng nối liền với nhau và nằm gần ổ mắt, được chia cách bởi một phiến xương mỏng. Xoang sàng được chia làm 2 phần nhỏ gồm xoang sàng trước và xoang sàng sau với nhiệm vụ khác nhau:
- Xoang sàng trước: Vừa là vùng hô hấp của hốc mũi vừa là nơi dịch xuất tiết đổ về. Chính vì vậy, vùng này thường xuyên phải tiếp xúc với bên ngoài nên rất có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
- Xoang sàng sau: Bộ phận này thuộc nhóm xoang sau, chứa dịch tiết đổ về ngách mũi và đi xuống họng. Vùng xoang này có cấu tạo khá kín, ít bị các tác nhân gây hại xâm nhập nên ít bị viêm cấp tính, thay vào đó thường sẽ bị viêm mãn tính.
Tóm lại, viêm xoang sàng trước, sau là tình trạng xoang sàng bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, virus, nấm dẫn đến viêm nhiễm. Dựa vào vị trí giải phẫu như vừa kể trên, bệnh viêm xoang sàng được chia làm 2 thể nhỏ gồm viêm xoang sàng trước và viêm xoang sàng sau. Hầu hết các dạng viêm xoang sàng ban đầu sẽ khởi phát ở mức độ cấp tính, sau đó nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang mãn tính gây khó khăn cho việc điều trị cũng như tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng nhận biết viêm xoang sàng trước, sau
Triệu chứng viêm xoang sàng trước, sau cũng tương tự như nhiều thể viêm xoang khác hoặc các dạng bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau một thời gian ủ bệnh, các triệu chứng viêm xoang sàng sẽ dần biểu hiện rõ hơn, có thể kể đến một số triệu chứng như:
- Đau đầu: Hầu hết những người bị viêm xoang sàng đều gặp phải những cơn đau nhức đầu dữ dội, khó chịu. Tùy vào mức độ bệnh từng người mà cơn đau có thể diễn ra liên tục hoặc chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Vị trí đau đầu thường gặp nhất là vùng đỉnh đầu, hai bên thái dương và phía sau gáy. Đặc biệt, mức độ đau càng tăng lên khi thời tiết thay đổi.
- Đau mắt: Xoang sàng trước nằm giữa hốc mắt, phía dưới trán, còn xoang sàng sau nằm gần ổ mắt, dưới nền sọ và gần với dây thần kinh thị giác nên khi bị viêm nhiễm, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức vùng hốc mắt, gặp khó khăn khi cử động mắt.
- Chảy nhiều dịch mũi: Do trong các hốc xoang tiết dịch quá mức nên dịch mũi cũng chảy ra ngoài nhiều hơn thông qua mũi hoặc miệng. Ban đầu khi bệnh vừa khởi phát dịch mũi thường có màu trắng trong suốt, tuy nhiên sau một thời gian ủ bệnh dịch mũi sẽ chuyển sang màu vàng xanh kèm theo mùi hôi, tanh khó chịu.
- Nghẹt mũi: Tùy vào mức độ viêm nhiễm mà người bệnh có thể bị nghẹt một hoặc cả hai bên mũi. Tắc nghẹt mũi là hậu quả của tình trạng dịch nhầy chảy từ các hốc xoang sàng xuống mũi nhưng bị kẹt lại. Triệu chứng này rất thường hay gặp và khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hít thở, ngửi mùi, đặc biệt biểu hiện rõ khi nằm.
- Ngứa cổ họng, ho, viêm họng: Khi dịch nhầy chảy xuống mũi sẽ gây nghẹt mũi, còn khi chảy xuống họng sẽ tạo thành đờm đặc. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh cảm giác có sự vướng víu trong cổ họng, ngứa ngáy khó chịu, hậu quả gây ho, khạc nhổ đờm liên tục để đẩy đờm ra ngoài, dần dần hình thành bệnh viêm họng.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng thường gặp vừa kể trên, nhiều người bị viêm xoang sàng còn gặp phải một số triệu chứng toàn thân như: sốt cao, đau họng, hơi thở có mùi hôi, suy giảm thị lực…
Bên cạnh những triệu chứng chung, để phân biệt viêm xoang sàng trước và sau, bạn có thể dựa vào các triệu chứng riêng sau đây:
- Triệu chứng của viêm xoang sàng trước: Điểm đặc trưng của thể này là tình trạng nghẹt mũi nặng do ứ đọng nhiều dịch trong các hốc xoang, tạo áp lực lên một số cơ quan lân cận như trán, mắt, thái dương… gây đau đầu, nhức mắt, nhức mũi. Hầu hết những trường hợp bị viêm xoang sàng trước là thể viêm mủ nên dịch nhầy thường rất hôi và có màu sắc bất thường.
- Triệu chứng viêm xoang sàng sau: Dịch nhầy trong các hốc xoang có thể đi xuống họng gây khô, ngứa cổ họng, ho, nuốt vướng, viêm họng… Một số trường hợp còn gây phù nề niêm mạc sau, gây đau đầu vùng phía sau gáy hoặc đau đầu vùng chẩm, lan rộng ra vai gáy. Chính vì vậy, nếu thường xuyên bị đau sau gaý thì nguy cơ cao bạn đang bị viêm xoang sàng sau.
- Triệu chứng viêm xoang sàng hai bên: Nếu nhận thấy có đủ các triệu chứng viêm xoang, liên tục ở cả xoang sàng trước và sau chứng tỏ bạn đang mắc viêm xoang sàng hai bên. Thể bệnh này nguy hiểm và khó trị hơn vì nguy cơ gặp nhiều biến chứng cũng cao hơn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang sàng
Nguyên nhân lớn nhất gây viêm xoang sàng trước, sau là sự xâm nhập và tấn công mạnh mẽ của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, nấm men. Có các loại thường gặp như Haemophilus influenzae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), Streptococcus pneumoniae, vi khuẩn E.coli, Klebsiella, virus cúm và virus á cúm, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), rhinovirus… Trong đó, Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae là những loại chính gây viêm xoang ở trẻ em, còn virus cúm, á cúm hoặc rhinovirus chủ yếu gây viêm xoang ở người lớn.
Bên cạnh nguyên nhân nhiễm trùng trực tiếp gây viêm xoang sàng, các chuyên gia cho biết còn rất nhiều những yếu tố nguy cơ gây bệnh khác như:
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh thường diễn ra khá đột ngột khiến cơ thể khó có thể thích nghi kịp. Đây là nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây hại từ môi trường tấn công vào bên trong niêm mạc mũi, trú ngụ làm ổ ở xoang sàng.
- Ô nhiễm môi trường: Tương tự như sự thay đổi của thời tiết, việc sống trong môi trường ô nhiễm quá mức, có nhiều khí thải, hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá… cũng là điều kiện thuận lợi để lớp niêm mạc hô hấp bị viêm nhiễm, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm xoang sàng.
- Suy giảm sức đề kháng: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở những người đã từng mắc viêm xoang sàng. Vì căn bệnh này chỉ xuất hiện chủ yếu ở những người có sẵn sức đề kháng yếu kém hoặc cơ thể đang yếu gây suy giảm miễn dịch. Điển hình gồm các đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý mãn tính…
- Bất thường trong cấu trúc xoang: Những người có sẵn dị tật xoang bẩm sinh hoặc vách ngăn hẹp, bị vẹo hoặc polyp mũi, VA quá phát… thường có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang nói chung và viêm xoang sàng nói riêng cao hơn người bình thường. Vì khi cấu trúc mũi bất thường sẽ tạo điều kiện cho dịch nhầy dễ dàng bám lại, tích tụ và nhiễm khuẩn khi gặp các yếu tố gây hại.
- Người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp: Nếu đã từng mắc một hoặc nhiều lần các bệnh lý hô hấp mãn tính như viêm amidan mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm họng mãn… hoặc có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản nhưng không điều trị khỏi dứt điểm thì nguy cơ mắc viêm xoang sàng cũng cao hơn.
Những biến chứng nguy hiểm của viêm xoang sàng trước, sau
Các chuyên gia đánh giá viêm xoang sàng là một trong những thể xoang nguy hiểm nhất vì những biến chứng của nó gây ra rất khó lường. Nguyên nhân xuất phát từ việc xoang sàng có mối liên kết chặt chẽ với những cơ quan chủ chốt trong cơ thể như não bộ, mắt, mũi, tai, tuyến yên… Cụ thể như sau:
- Biến chứng tai – mũi – họng: Đây là biến chứng phổ biến nhất ở những người mắc bệnh viêm xoang sàng. Điển hình như: viêm tai giữa gây suy giảm khứu giác, điếc, viêm họng mãn tính, viêm thanh phế khí quản mãn tính, viêm amidan mãn tính,… nặng hơn có thể biến chứng sang phổi.
- Biến chứng mắt: Viêm nhiễm quá nặng có thể gây biến chứng ở vùng mắt như suy giảm thị lực, áp xe mắt, viêm nhiễm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời.
- Biến chứng ở não bộ: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm xoang sàng trước, sau. Có thể kể đến một số biến chứng như áp xe não, viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang… Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở những người gặp phải biến chứng này khá cao từ 30 – 50% hoặc nếu xử lý điều trị kịp thời thì người bệnh vẫn phải chịu những di chứng nặng nề.
Phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh viêm xoang sàng trước, sau
Bệnh viêm xoang sàng trước, sau là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến và có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, vì không phải người bệnh nào cũng chủ động điều trị sớm nên dễ dẫn đến viêm xoang mãn tính gây khó khăn trong việc điều trị.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm xoang sàng trước, sau được các chuyên gia chỉ định áp dụng phổ biến:
1. Điều trị bằng thuốc Tây
Điều trị nội khoa viêm xoang sàng trước, sau chủ yếu tập trung vào sử dụng các loại thuốc tân dược. Phương pháp này được chỉ định áp dụng trong hầu hết các trường hợp bệnh, tuy nhiên còn tùy theo mức độ viêm xoang nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp, kết hợp thuốc sao cho đúng.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm xoang sàng như:
- Nhóm thuốc kháng sinh được dùng trong những trường hợp viêm xoang sàng do nhiễm khuẩn trực tiếp, loại thường dùng điển hình là : Cephalexin, Amoxicillin, Cefuroxim… Lưu ý không lạm dụng kháng sinh quá mức vì rất dễ gây nhờn thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị các vấn đề nhiễm khuẩn sau này.
- Nhóm thuốc kháng histamine chống sung huyết giúp giảm phù nề niêm mạc, giảm viêm.
- Thuốc xịt chứa corticoid làm khô mũi, làm dịu các hốc xoang và giảm đau. Tuy nhiên, không được sử dụng trong thời gian dài vì lạm dụng quá mức sai liều thuốc sẽ gây chảy máu mũi, tổn thương niêm mạc mũi, làm cho tình trạng nhiễm trùng càng nặng hơn.
- Nhóm thuốc giảm đau có chứa thành phần Paracetamol như Efferalgan hoặc Panadol giúp giảm đau đầu cho những người bị viêm xoang sàng nhẹ.
Lưu ý: Mặc dù điều trị nội khoa đem lại hiệu quả giảm nhanh các triệu chứng, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị, đơn thuốc cho bác sĩ kê, không tự ý thay đổi liều hay mua thuốc ở ngoài sử dụng để tránh những rủi ro không đáng có.
2. Điều trị theo Đông y
Theo ghi chép của các tài liệu Đông y, viêm xoang sàng trước, sau khởi phát do sự suy yếu ngũ tạng, đặc biệt là cơ quan thận. Vì vậy, để trị khỏi tình trạng viêm nhiễm xoang không chỉ tập trung diệt khuẩn, tiêu viêm mà còn phải kết hợp nâng cao cải thiện chức năng gan, thận.
Muốn trị viêm xoang sàng theo Đông y cần kiền trì thực hiện trong thời gian dài mới phát huy hiệu quả như mong muốn. Đối với các bài thuốc Đông y thường được chế biến dưới dạng uống hoặc xông mũi và tùy theo mức độ bệnh mà thời gian dùng thuốc có thể nhanh hay chậm. Các bài thuốc Đông y sử dụng chủ yếu các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm các triệu chứng toàn thân, bồi bổ chức năng ngũ tạng như: ké đầu ngựa, di tân, bạch chỉ, cam thảo, mạch môn, tri mẫu, sơn chi, thăng ma…
Bên cạnh các bài thuốc thì vật lý trị liệu trị bệnh viêm xoang sàng cũng là phương pháp y học cổ truyền được nhiều người áp dụng. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu cho những người có dấu hiệu kháng thuốc hoặc không đủ điều kiện để can thiệp ngoại khoa.
Các chuyên gia cho biết, các thủ thuật vật lý trị liệu có khả năng khắc phục các triệu chứng, thậm chí tác động đến căn nguyên gây bệnh nhờ cơ chế:
- Khu phong, tán hàn, ức chế sự phát triển của một số yếu tố gây hại.
- Kích thích quá trình lưu thông máu, giảm nghẹt mũi, điều hòa hơi thở và giúp quá trình hô hấp được ổn định.
- Phục hồi chức năng phủ tạng, cân bằng âm dường, nâng cao sức đề kháng và kích thích cơ thể tự sản sinh kháng thể chống lại mọi mầm bệnh.
Một số thủ thật vật lý trị liệu phổ biến hiện nay như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, thủy châm, điện châm… Hãy tham vấn ý kiến của chuyên gia về phương pháp này nếu muốn thực hiện, không tự ý áp dụng vì các thủ thuật này khá phức tạp và phải có liệu trình phù hợp mới đem lại hiệu quả tối ưu, an toàn.
3. Áp dụng các mẹo dân gian cải thiện triệu chứng
Bên cạnh biện pháp điều trị bảo tồn bằng thuốc Tây hoặc thuốc Đông y, người bệnh cũng nên chủ động tìm hiểu và áp dụng một số mẹo làm giảm triệu chứng đơn giản tại nhà sau:
- Xông hơi thảo dược: Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả trong việc làm thông thoáng xoang mũi. Hơi nóng mang theo dược liệu đi vào trong mũi giúp làm loãng chất dịch nhầy, nhờ đó cơ thể dễ dàng đào thải chúng ra khỏi mũi, giảm sự khó chịu do nghẹt mũi. Không những vậy còn giúp làm sạch ổ viêm nhờ các loại dược liệu như bạc hà, sả, lá tía tô, lá kinh giới…
- Dùng gừng tươi: Gừng tươi được xem là vị thuốc Nam chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, chống khuẩn tốt và giảm đau hiệu quả nên được tận dụng để làm bài thuốc trị viêm xoang sàng. Chuẩn bị 1 củ gừng tươi cạo bỏ vỏ, rửa sạch và cắt lát mỏng. Cho vào ly hãm với 100ml nước sôi trong vòng 15 phút rồi uống hết trong ngày. Nên uống khi còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Dùng tỏi tươi và mật ong: Tỏi và mật ong là bộ đôi kháng viêm, chống khuẩn được nhiều người áp dụng. Theo nhiều nghiên cứu, trong tỏi chứa allicin được xem là chất kháng sinh mạnh, còn tỏi chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, giảm đau làm dịu lớp niêm mạc. Dùng 3 tép tỏi tươi lột vỏ, ép lấy nước cốt trộn với một lượng nhỏ mật ong, trộn đều lên rồi thấm vào tăm bông cho vào hốc mũi khoảng 1 tiếng thì lấy ra và xì mũi nhẹ.
Ngoài ra, các mẹo dân gian sử dụng dược liệu tự nhiên như lá lốt, lá ngũ sắc, cây giao chữa viêm xoang sàng cũng rất phổ biến. Tuy nhiên những bài thuốc này chỉ có khả năng làm giảm triệu chứng tạm thời, nếu không hiệu quả sau vài lần áp dụng người bệnh hãy ngưng lại và chọn lựa phương pháp khác tốt hơn.
4. Can thiệp ngoại khoa
Trong một số trường hợp bệnh viêm xoang sàng càng ngày càng diễn tiến nặng hơn và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa sẽ được cân nhắc chỉ định thực hiện phẫu thuật sớm. Hiện nay, phương pháp can thiệp ngoại khoa phổ biến nhất là nội soi xoang (FESS) để xử lý ổ viêm hoặc các bất thường trong khoang mũi, phục hồi sự lưu thông, dẫn lưu khí mũi xoang. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với những người có hệ miễn dịch kém, cơ địa dị ứng. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn được chỉ định thực hiện nạo xoang hoặc chọc hút mủ xoang vì chưa cần thiết để phẫu thuật.
Việc can thiệp phẫu thuật sẽ giúp giải quyết nhanh nguyên nhân gây bệnh và đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu phẫu thuật không thành công, có thể gây chảy máu trong, tổn thương não hoặc biến dạng mũi. Vì các kỹ thuật phẫu thuật đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện, cơ sở vật chất và chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với người bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang sàng trước, sau
Viêm xoang sàng trước, sau hay bất cứ dạng viêm xoang nào cũng đều có nguy cơ tái phát cao khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì vậy, biện pháp tốt nhất để thoát khỏi căn bệnh này là hãy chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, dự phòng ngay từ sớm. Dưới đây là những cách đơn giản bạn nên áp dụng:
- Giữ vệ sinh tai – mũi – họng hằng ngày, đặc biệt sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất độc hại. Ưu tiên vệ sinh bằng nước muối sinh lý để đạt hiệu quả diệt khuẩn tốt nhất.
- Đối với những người còn đang mắc các bệnh lý mãn tính làm tăng nguy cơ viêm xoang sàng hoặc phát hiện các dị tật như polyp mũi, vẹo vách ngăn… nên điều trị triệt để và xử lý càng sớm càng tốt.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vùng tai – mũi – họng vào thời điểm thời tiết chuyển lạnh. Luôn luôn che chắn, sử dụng khẩu trang y tế để ngăn cản sự xâm nhập của các loại vi khuẩn.
- Giữ vệ sinh không gian sống, làm việc và sinh hoạt sao cho sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế việc tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng.
- Không nên ở quá lâu trong phòng máy lạnh hoặc chỉnh nhiệt độ máy lạnh xuống quá thấp. Nếu cần thiết hãy dùng máy tạo độ ẩm vào những ngày hanh khô.
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, ít nhất 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, C, D, khoáng chất như kẽm, omega-3, selen, các loại trà thanh nhiệt giải độc, thực phẩm giàu chất kháng viêm, kháng sinh… Nên kiêng các chất kích thích, thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ có axit…
- Tuân thủ thời gian biểu khoa học, nghỉ ngơi, làm việc, ăn uống và hoạt động thể chất để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại sự tấn công của các mầm bệnh.
Bệnh viêm xoang sàng trước, sau có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào và nguy hiểm của bệnh là rất khó lường trước. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là phòng ngừa và điều trị tích cực từ sớm nếu phát hiện bệnh. Tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ về lộ trình điều trị để đạt kết quả khả quan, không tự ý điều trị để tránh làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Xem Thêm:
- Viêm Xoang Mũi, Đau Mắt: Biểu Hiện Nguy Hiểm Chớ Xem Thường
- Viêm Xoang Đau Nửa Đầu Bên Trái Có Nguy Hiểm Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!