Huyệt Khí Xung: Vị Trí, Công Năng Và Cách Phối Huyệt
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênTrong số các huyệt đạo vùng bụng, huyệt Khí Xung nổi bật với vai trò quan trọng trong cải thiện các vấn đề sức khỏe phụ khoa. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về huyệt đạo này, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về vị trí, cách xác định, tác dụng và kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt và phối huyệt chuẩn xác.
Thông tin tổng quát về huyệt Khí Xung
Trong Trung Y Cương Mục ghi chép các thông tin về huyệt Khí Xung như sau:
Xuất xứ: Giáp Ất Kinh.
Ý nghĩa tên huyệt: “Khí” nghĩa là năng lượng cần thiết, ý chỉ khí chảy vào kinh. “Xung” có nghĩa là đẩy mạnh lên hoặc xuống. Huyệt đạo này nằm ở vùng háng, nơi kinh khí của kinh Vị với mạch Xung đi lên, vì vậy nên có tên gọi là Khí Xung.
Tên khác: Huyệt Dương Hy, huyệt Khí Nhai, huyệt Dương Thỉ, huyệt Khí Vệ.
Đặc tính:
- Là huyệt thứ 30 của kinh Vị.
- Là huyệt thuộc Mạch Xung.
- Huyệt Tản khí lên trên.
Vị trí của huyệt Khí Xung
Huyệt Khí Xung nằm ở vùng bụng dưới, từ rốn xuống 5 thốn, sau đó đo ra ngang 2 thốn chính là vị trí của huyệt đạo.
Giải phẫu vị trí huyệt:
- Dưới da vùng huyệt là cân cơ chéo to, bờ ngoài của cơ thẳng to, cân cơ chéo bé của bụng với cơ ngang bụng, phúc mạc, mạc ngang. Trong ổ bụng chính là ruột non, tử cung khi có thai 2 – 3 tháng và bàng quang khi đầy.
- Thần kinh vận động cơ của vùng huyệt là 6 dây thần kinh gian sườn dưới cùng dây thần kinh bụng – sinh dục.
- Da vùng huyệt chịu sự chi phối của tiết đoạn thần kinh L1.
Tác dụng của huyệt Khí Xung
Theo Y học cổ truyền, huyệt Khí Xung chủ trị tán nghịch khí, thư tôn cân, điều Bàng quang. Do đó, huyệt đạo này được ứng dụng trong điều trị một số vấn đề về sức khỏe phụ khoa bao gồm:
- Điều hòa kinh nguyệt: Kích thích huyệt Khí Xung giúp điều hòa khí huyết, giúp quá trình rụng trứng và bong lớp nội mạc tử cung diễn ra thuận lợi, từ đó cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh.
- Giảm đau vùng bụng dưới: Bấm huyệt Khí Xung có tác dụng giảm đau bụng dưới do các nguyên nhân khác nhau như đau do co thắt cơ trơn tử cung, viêm vùng chậu do viêm nhiễm các cơ quan sinh dục. Bằng việc kích thích huyệt đạo, giúp thư giãn các cơ ở vùng chậu, giảm tình trạng co thắt, từ đó giảm đau hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị vô sinh: Chuyên gia cho biết, tác động đúng cách vào huyệt đạo Khí Xung có thể giúp điều hòa khí huyết, cải thiện môi trường nội tiết tố, kích thích rụng trứng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ thai.
- Cải thiện các vấn đề về tiểu tiện: Bấm huyệt Khí Xung có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề tiểu són, tiểu rắt bằng cách điều hòa khí huyết, cải thiện chức năng co bóp của bàng quang.
Hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt
Dưới đây là hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt Khí Xung đúng kỹ thuật, giúp trị bệnh hiệu quả và an toàn.
Bấm huyệt Khí Xung được thực hiện đơn giản như sau:
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt đạo Khí Xung theo hướng dẫn.
- Bước 2: Dùng ngón cái của một bên tay day nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ tại huyệt đạo trong khoảng 1 – 2 phút. Day bấm huyệt đạo này bằng lực vừa phải, tránh gây cảm giác đau nhức.
Châm cứu huyệt đạo:
- Bước 1: Xác định vị trí của huyệt Khí Xung.
- Bước 2: Dùng kim châm thẳng với độ sâu 0.5 – 1 thốn, hướng mũi kim châm về phía bộ phận sinh dục.
- Bước 3: Tiến hành cứu 3 – 5 tráng, tiếp theo ôn cứu 5 – 10 phút.
Lưu ý: Không châm sâu quá, vì ở dưới huyệt là dây dẫn trứng, nếu tác động vào sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cơ thể.
Trường hợp ngộ châm, dẫn đến thoát vị đau ở cơ quan sinh dục sẽ áp dụng phương pháp sau:
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt Phong Long.
- Bước 2: Châm kim sâu 1 thốn, dùng thủ pháp vê kim. Đầu tiên sẽ vê vào trong 30 phút rồi rút kim ra 5 phân, tiếp theo lại hướng ra bên ngoài vê kim khoảng 30 phút.
- Bước 3: Tiếp tục châm vào huyệt 5 phân xong rút nhanh ra, dùng bông ấn vào vị trí này để tránh chảy máu.
Hướng dẫn phối huyệt trị bệnh hiệu quả
Ngoài phương pháp điều trị đơn huyệt, chuyên gia cho biết khi phối huyệt Khí Xung với các huyệt đạo tương hợp sẽ giúp mang lại nhiều tác dụng trị bệnh như:
- Phối cùng huyệt đạo Chương Môn (C 13) + huyệt đạo Nhiên Cốc (Th 2) + huyệt đạo Tứ Mãn (Th 14): Giúp điều trị tiểu buốt (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Chương Môn (C 13) trị không nằm được (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Cự Hư Hạ Liêm (Vi 39)) + huyệt đạo Cự Hư Thượng Liêm (Vi 37) + huyệt đạo Tam Lý (Vi 36): Giúp điều trị tả nhiệt trong Vị (Tố Vấn 61, 40).
- Phối cùng huyệt đạo Bàng Quang Du (Bq 28) + huyệt đạo Cư Liêu (Đ 29) + huyệt đạo Hạ Liêu (Bq 34) + huyệt đạo Thượng Liêu (Bq 31) + huyệt đạo Trường Cường (Đc 1) + huyệt đạo Yêu Du (Đc 2): Hỗ trợ điều trị lưng đau (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Khúc Tuyền (C 8) + huyệt đạo Thái Xung (C 3): Có tác dụng điều trị thoát vị (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Quan Nguyên (Nh 4) thấu huyệt đạo Trung Cực (Nh 3) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty 6): Có tác dụng điều trị đường tiểu viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Huyệt Khí Xung là một huyệt đạo quan trọng trong Y học Cổ truyền với nhiều tác dụng điều trị, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe phụ khoa. Việc châm cứu/bấm huyệt Khí Xung theo đúng quy trình có thể giúp cải thiện các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín và bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Xem Thêm:
- Huyệt Hạ Quản Là Gì? Khám Phá Vị Trí Và Công Dụng Của Huyệt
- Huyệt Hoàn Cốt Nằm Ở Đâu? Cách Châm Cứu Và Bấm Huyệt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!