Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Nhục thung dung còn được mệnh danh là “nhân sâm sa mạc” là loại thực vật được dùng làm thuốc và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó phổ biến nhất là chữa bệnh sinh lý nam giới.
Tổng quan về nhục thung dung
- Tên gọi khác: Đại vân, nhục tùng dung, hắc tư lệnh, thung dung, kim duẩn, địa tinh, tung dung…
- Tên gọi theo khoa học: Cistanche deserticola Y.C.Ma
- Cây thuốc thuộc họ: Orobranh Ceae
1. Đặc điểm, hình thái nhận biết
Nhục thung dung là loại thực vật sống ký sinh, sống dựa trên các loài cây khác. Những vật chủ của nhục thung dung thường có bộ rễ lớn, to, khỏe và bám sâu vào lòng đất. Loại cây này thường mọc vào mùa xuân, mầm cây ẩn sâu dưới lòng đất và đâm thủng lớp đất để nhô lên, có vảy vàng óng rất lấp lánh khi ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Ngoài ra, bạn có thể nhận biết loại thực vật này thông qua một số đặc điểm sau đây:
- Thân cây mọc thẳng đứng, xuyên qua mặt đất trông như một cái chày mini. Phần đầu dạng chóp nhọn, trên thân có lớp lá và được phủ một lớp vảy để sinh trưởng trong môi trường khắc nghiệt.
- Chiều cao trung bình từ 15 – 30cm, tuy nhiên các nhà khoa học ghi nhận có một số cá thể nhục thung dung đột biến có thể cao đến hàng mét.
- Hoa nhục thung dung thường nở rộ vào tháng 5 – 6, hoa ra rất dày đặc, phủ kín phần đầu cây. Hoa thường mọc ra từ phần chóp nhọn, hình dạng giống chiếc chuông, xẻ làm 5 cánh đều nhau. Hoa nở từ dưới lên trên, hoa đã nở có màu vàng tươi, còn nụ hoa chưa nở có màu xanh hoặc tím nhạt.
- Quả nhục thung dung sẽ được hình thành ngay sau mùa hoa, khoảng tháng 6 – 7 hàng năm. Quả có màu xám nhỏ, li ti.
- Phần rễ cây khi trưởng thành sẽ phát triển thành củ có kích thước lớn, chạm vào có cảm giác mềm mịn. Phần vỏ bên ngoài được phủ một lớp vảy mịn màu đen, bên trong chứa nhiều dầu.
Một số hình ảnh cây nhục thung dung
2. Phân bố
Nhục thung dung còn được biết đến với cái tên “nhân sâm sa mạc” vì chúng có thể sinh trưởng được trong mọi địa hình, mọi điều kiện thời tiết dù khắc nghiệt đến mấy, trong đó thường là sa mạc, những nơi có nắng hạn quanh năm, vùng khí hậu ôn đới…
Loại thực vật này có nguồn gốc từ Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Thiểm Tây, Cam Túc, Mông Cổ… Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn và phát hiện loại thực vật này còn phân bố rất nhiều ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản….
Vì có chứa nhiều dược chất quý, tốt cho sức khỏe nên loài cây này đã được tiến hành nhân giống tại Việt Nam. Tuy nhiên, do hầu hết các tỉnh thành ở nước ta có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp nên cây không thể sinh trưởng tốt được. Do đó, nguồn dược liệu nhục thung dung được bán trên thị trường chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài.
3. Thu hái – Bộ phận dùng – Bào chế – Bảo quản
- Thu hái: Mùa xuân và mùa thu là thời điểm nhục thung dung sinh trưởng mạnh và giàu dưỡng chất nhất. Vì vậy, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là thời điểm tốt nhất để thu hoạch dược liệu.
- Bộ phận dùng: Phần rễ đã phát triển thành củ và phần thân cây là 2 bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh trong các bài thuốc Đông y. Những củ càng to, mập, mềm, màu đen tuyền và có nhiều dầu là những củ có chất lượng tốt nhất.
- Bào chế: Tùy vào thời điểm thu hoạch, chất lượng dược liệu sẽ có cách bào chế khác nhau.
- Nếu thu hoạch vào mùa xuân, sau khi rửa sạch cát đất, đem phơi khô để sử dụng dần.
- Nếu thu hoạch vào mùa hạ thì đem đi ủ muối trong vòng 1 – 3 năm sau mới dùng được. Vì lúc này, củ nhục thung dung còn mềm, nhiều nước, làm cách này sẽ giúp giữ được trọn vẹn các dưỡng chất. Khi cần sử dụng, lấy ra rửa sạch dùng trực tiếp hoặc đem hấp cách thủy với rượu. Ngoài ra, nhiều người còn dùng nhục thung dung để ngâm mật ong hoặc ngâm rượu lâu dài để sử dụng lâu dài.
- Bảo quản: Nhục thung dung là loại dược liệu quý và cần được bảo quản kỹ lưỡng, tránh tuyệt đối để ở những nơi khô ráo, thoáng mát, không ẩm mốc. Tốt nhất nên bảo quản bằng lọ có tráng vôi ẩm để giữ được trọn vẹn thành phần dược chất trong nhục thung dung.
4. Phân loại nhục thung dung
Xét về nguồn gốc của loại thực vật này được chia làm 2 loại là nhục thung dung Nội Mông và nhục thung dung Tân Cương.
- Nhục thung dung Nội Mông: Loại nhục thung dung này có màu đen mun, bên ngoài có vảy, chạm vào khá mềm và có mùi thơm đặc trưng. Loại này chủ yếu phân bố ở khi vực Nội Mông, nơi có nền nhiệt độ cao, hoang dã của Trung Quốc.
- Nhục thung dung Tân Cương: Loại cây này có vỏ ngoài màu vàng nâu, cứng chứ không mềm như loại trên. Loại thực vật này chủ yếu phân bố ở vùng Tân Cương Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, 2 loại này rất khác nhau và dễ dàng phân biệt được khi bạn cầm chúng trên tay. Thường thì trong loại nhục thung dung màu đen chứa nhiều hoạt chất hơn loại màu vàng. Nguyên nhân được cho là do nền khí hậu, điều kiện nuôi trồng khác nhau.
5. Thành phần hóa học
Theo kết quả của một số nghiên cứu khoa học cho thấy, trong nhục thung dung có chứa một số thành phần hóa học sau:
- Orobanin
- Boschnaloside
- 8- epilogahic axit
- Betaine
- Nhiều loại axit hữu cơ và có trên 10 loại axit amin
- Alkaloid và một số chất trung tính kết phẩm.
Công dụng của nhục thung dung
1. Theo y học cổ truyền
- Tính vị: Loại dược liệu này có vị ngọt, mặn, tính ấm.
- Quy kinh: Thận và đại tràng
Nhờ những tính vị này mà nhục thung dung có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như ích tinh, bổ thận, nhuận tràng, kiện ương, ích khí huyết… Cụ thể có công dụng chủ trị một số bệnh lý sau:
- Chữa trị chứng dương nuy (liệt dương), rối loạn cương dương, yếu sinh lý… ở nam giới.
- Chứng đới hạ ở nữ giới (ra khí hư huyết trắng), phụ nữ khó có thai, huyết khô, băng lậu… (theo Dược tính Bản Thảo)
- Chứng lưng gối đau lạnh, bí tiểu, bồi bổ Mệnh môn, ích tủy cân, hoạt đại tiện, ích tủy cân (theo Dược tính Bản Thảo).
- Có tác dụng bổ thận, tăng cường sinh lý, thông nhuận đường ruột (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Thông nhuận ngũ tạng, làm ấm lưng, gối (theo Trung Dược học).
Theo y học hiện đại
Y học hiện đại vì nhục thung dung như một loại “Viagra” của Đông y vì sở hữu nhiều công dụng tốt. Các thành phần hoạt chất như Epilogahic acid, Boshnaloside, Betaine, acid hữu cơ Alkaloid, axit amin… đều là những chất có khả năng ức chế và làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của con người, kéo dài tuổi thanh xuân.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu hiện đại về dược liệu nhục thung dung cho thấy nó có khả năng điều trị một số bệnh lý sau:
- Bổ thận tráng dương, hỗ trợ chữa trị một số bệnh sinh lý nam giới như di tinh, xuất tinh sớm, liệt dương, yếu sinh lý, tăng cường phong độ phái mạnh, tăng sức bền khi quan hệ, nâng cao bản lĩnh phái mạnh.
- Tăng cường sinh lý nữ, hỗ trợ điều trị tình trạng ra nhiều khí hư, đặc biệt tốt cho những người khó thụ thai.
- Hỗ trợ chữa trị tình trạng đau nhức mỏi lưng, gối, yếu cơ bắp.
- Nhuận tràng, làm giảm tình trạng táo bón, chữa tiểu rắt, tiểu buốt.
- Làm chậm quá trình lão hóa ở cả nam lẫn nữ, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
- Hỗ trợ cải thiện chức năng và kiểm soát điều tiết của tuyến thượng thận.
- Điều hòa và ổn định chỉ số huyết áp.
Liều dùng: Sử dược liệu nhục thung dung mỗi ngày từ 8 – 20g. Để biết chính xác hơn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu nhục thung dung
Những công dụng chữa bệnh từ vị thuốc này là điều không thể phủ nhận và nếu vẫn chưa biết cách sử dụng như thế nào cho đúng, hãy thử tham khảo một số cách thực hiện sau:
1. Bài thuốc chữa bệnh yếu sinh lý từ nhục thung dung
Cách thực hiện:
Cách 1: Tán hoàn
- Chuẩn bị các nguyên liệu sau: 30g nhục thung dung, 250g đương quy, 650g hồ lô ba, 200g hoàng kỳ, 130g xuyên tục đoạn, đỗ trọng, nấm ngọc cẩu, hoài sơn, sơ thù, kỷ tử và mạch môn mỗi loại 170g. Kèm theo đó là 1 quả cật dê hoặc cật heo.
- Sơ chế sạch sẽ các nguyên liệu, cật heo/ cật dê rửa sạch bằng nước muối pha giấm, rượu để loại bỏ mùi tanh. Đem hấp chín rồi cắt thành từng lát mỏng đem phơi khô.
- Đem tất cả các vị thuốc tán thành bột nhuyễn, trộn với mật thắng thành hoàn, cho vào hũ thủy tinh bảo quản ở nơi thoáng mát.
- Mỗi lần sử dụng khoảng 12g, ngày dùng 3 – 4 lần để cải thiện hiệu quả tình trạng yếu sinh lý.
Cách 2: Ngâm rượu
- Chuẩn bị các dược liệu sau: 30g nhục thung dung, 10g lộc nhung và 15g nhân sâm. Sau khi rửa sạch, đem thái nhỏ các dược liệu này.
- Tiếp theo chuẩn bị 15g thục địa và 10g hải mã, cho hết tất cả các vị thuốc này vào bình thủy tinh lớn, đổ khoảng 1 lít rượu trắng vào ngâm trong vòng 1 tháng là có thể sử dụng được.
- Mỗi lần sử dụng khoảng 15 – 20ml rượu, ngày dùng 2 lần sau mỗi bữa ăn. Kiên trì áp dụng biện pháp này trong thời gian dài để đạt được kết quả tốt nhất.
2. Bài thuốc trị bệnh liệt dương ở nam giới
Cách thực hiện:
Cách 1:
- Chuẩn bị 300g nhục thung dung, 120g thục địa, 40g dâm dương hoắc, 110g huỳnh tinh, 60g thục địa, , 50g quy đầu, 60g sinh địa, 30g hắc táo nhân, 50g xuyên ngưu tất, 50g xuyên tục đoạn, 30g cam cúc hoa, 40g cốt toái bổ, 50g nhân sâm, 50g đỗ trọng, 60g hoàng kỳ, 23g trần bì, 21g lộc nhung và 45g lộc giác giao.
- Tiến hành rửa sạch tất cả các dược liệu, cho hết vào siêu thuốc rồi sắc lấy nước thuốc uống hết hằng ngày.
Cách 2:
- Chuẩn bị 15g nhục thung dung, 6g viễn chí, 10g ba kích, phòng phong, đỗ trọng và phụ tử mỗi loại 12g.
- Tán mịn tất cả các dược liệu, hòa vào một ít mật ong, trộn đều lên tạo thành hỗn hợp đặc vừa phải.
- Sau đó, nặn thành từng viên hoàn nhỏ khoảng 5g và cho vào hũ thủy tinh bảo quản.
- Mỗi lần sử dụng từ 1 – 3 viên tùy theo mức độ bệnh, ngày dùng tối đa 2 lần và sử dụng kèm với nước muối loãng hoặc rượu ấm để tăng hiệu quả điều trị.
3. Bài thuốc chữa vô sinh ở nữ giới, cải thiện ham muốn tình dục
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 16g nhục thung dung, phụ tử, phòng phong, ba kích thiên, xà sàng tử và thỏ ty tử mỗi loại 12g cùng 6g ngũ vị tử.
- Tán nhuyễn mịn các dược liệu, tẩm mật rồi vo thành viên hoàn có kích thước nhỏ như hạt đậu đen là được.
- Cho vào hũ thủy tinh bảo quản và sử dụng dần. Mỗi lần dùng khoảng 12g, dùng tối đa 2 lần/ ngày với nước ấm để tăng hiệu quả điều trị.
4. Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các dược liệu gồm: 10g nhục thung dung, 6g phục linh, 4g thạch xương bồ, 8g thỏ ty tử và 5g sơn thù.
- Cho hết số dược liệu vào siêu sắc cùng 600ml nước trên lửa nhỏ.
- Khi nước thuốc cạn xuống còn khoảng 200ml thì tắt bếp, lọc lấy nước thuốc ra chén chia làm 3 phần nhỏ uống hết trong ngày.
5. Bài thuốc chữa táo bón cho người cao tuổi
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 thang thuốc bao gồm 20g nhục thung dung, 24g trầm hương và 15g hoạt ma nhân.
- Tán nhuyễn mịn hoặc nghiền nát các vị thuốc này và tẩm mật ong nguyên chất, vo thành từng viên tròn và cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp bảo quản.
- Mỗi lần sử dụng khoảng 12g, ngày tối đa 2 lần cùng nước ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
6. Bài thuốc hỗ trợ bồi bổ khí huyết
Cách thực hiện:
Cách 1:
- Chuẩn bị 12g nhục thung dung, 6g xương bồ, 8g phục linh và 6g sơn thù.
- Rửa sạch dược liệu và cho vào siêu thuốc sắc cùng 800ml nước, đợi cho đến khi nước thuốc cạn xuống còn khoảng 300ml nước thì tắt bếp.
- Lọc lấy nước thuốc cho ra chén, chia làm 3 lần uống hết trong ngày.
- Kiên trì sử dụng liên tục trong một thời gian ngắn sẽ cải thiện bệnh rất hiệu quả.
Cách 2:
- Chuẩn bị 1kg nhục thung dung, 500g sâm cau, 500g dâm dương hoắc và 15 lít rượu trắng.
- Rửa sạch các dược liệu, cho hết số dược liệu này vào bình thủy tinh lớn và đổ rượu vào.
- Ngâm rượu tối thiểu trong vòng 1 tháng là có thể sử dụng được.
- Có thể sử dụng rượu thuốc này để uống hằng ngày, tối đa ngày 2 lần, tránh lạm dụng quá mức để tránh gây tổn thương gan, thận, dạ dày…
7. Bài thuốc chữa chứng tiểu nhiều
Cách thực hiện
- Chuẩn bị nhục thung dung, thục địa, sơn dược và thỏ ty tử mỗi loại 20g cùng 50g ngũ vị tử.
- Đem tán mịn tất cả các dược liệu, trộn cùng mật ong và vo thành từng viên nhỏ khoảng 5g.
- Mỗi ngày sử dụng khoảng 3 – 4 viên, chia làm 2 lần uống.
8. Bài thuốc hỗ trợ chữa chứng hay quên
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 40g nhục thung dung, 10g tục đoạn, bạch linh và thạch xương bồ mỗi loại 30g.
- Rửa sạch tất cả các dược liệu, nhục thung dung thái lát và tẩm rượu rồi tán thành bột mịn. Các vị thuốc còn lại đem sấy khô và tán nhuyễn thành bột.
- Mỗi lần sử dụng chỉ cần dùng khoảng 8g bột dược liệu hòa vào ly nước ấm, khuấy đều lên và uống hết trong ngày.
9. Bài thuốc chữa trị tình trạng da mặt sạm đen
Cách thực hiện: Những người bị da mặt sạm đen có thể sử dụng nhục thung dung nấu cháo cùng thịt dê, ăn hết trong ngày và nên ăn khi còn ấm nóng để đạt hiệu quả tốt nhất. Kiên trì sử dụng vài lần/ tuần sẽ giúp làm giảm mức độ sạm đen da mặt.
10. Bài thuốc chữa chứng xuất tinh sớm
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị các nguyên liệu sau: nhục thung dung và tỏa dương mỗi loại 100g, 25g thổ phục linh, long cốt và tang phiêu mỗi loại 50g.
- Sau khi rửa sạch tất cả các dược liệu, để cho thật ráo nước rồi cho vào bình thủy tinh. Đổ vào 3 lít rượu và ngâm ít nhất trong vòng 1 tháng là có thể sử dụng được.
- Mỗi lần sử dụng khoảng 20 – 30ml rượu, dùng tối đa 2 lần/ ngày và uống sau mỗi bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả tốt nhất.
11. Bài thuốc trị chứng thận hư, đau lạnh lưng gối
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 15g nhục thung dung, 6g viễn chí, 12g xà sàng tử, 10g ba kích thiên cùng phụ tử, đỗ trọng và phòng phong mỗi loại 12g.
- Tán nhuyễn các vị thuốc trên thành bột mịn, tẩm mật ong và vo thành hoàn, mỗi viên khoảng 5g.
- Mỗi lần sử dụng khoảng 1 – 3 viên kèm với nước ấm. Kiên trì thực hiện hằng ngày liên tục cho đến khi các triệu chứng cải thiện hoàn toàn.
Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu nhục thung dung
Để đem lại hiệu cao trong việc sử dụng nhục thung dung điều trị bệnh, bạn cần tuân thủ cách sử dụng và một số lưu ý kiêng kỵ sau:
- Chống chỉ định sử dụng nhục thung dung cho những người có cơ địa kém hỏa vượng, âm hư, đang bị tiêu chảy và táo bón do tích nhiệt ở tiểu trạng và vị.
- Trong quá trình sử dụng dược liệu này không nên kết hợp dùng kháng sinh để tránh gây ra tác dụng phụ.
- Tuân thủ liều dùng do chuyên gia chỉ định, tuyệt đối không lạm dụng quá mức cũng như tự ý điều chỉnh liều, tự ý kết hợp với các dược liệu khác để tránh gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Với những bài thuốc uống nên sử dụng trong ngày, không để thuốc qua đêm. Đối với những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày, gan, thận, tiểu đường, huyết áp cao… nên sử dụng các bài thuốc sắc thay vì rượu thuốc sẽ tốt hơn.
- Kiên trì áp dụng các bài thuốc từ nhục thung dung trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Cần cân nhắc chọn mua dược liệu nhục thung dung chất lượng, nên chọn củ có màu nâu vàng hoặc nâu, tránh chọn mua loại màu đen sẫm vì đó có thể là bã dược liệu.
- Kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh dựa theo tình trạng bệnh để hỗ trợ đem lại kết quả tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về dược liệu nhục thung dung bao gồm đặc điểm, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng. Trong quá trình sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp để đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị cao và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có thể tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!