Huyệt Hành Gian Nằm Ở Đâu? Tác Dụng Và Cách Khai Thông
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênTrong hệ thống huyệt đạo trên cơ thể, huyệt Hành Gian được biết đến với những công dụng như điều trị cao huyết áp, mất ngủ, động kinh,… cùng nhiều chứng bệnh khác. Vậy huyệt đạo này có vị trí ở đâu? Cần tác động thế nào để khai thông trị bệnh hiệu quả tốt? Dưới đây Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ giải đáp chi tiết những câu hỏi liên quan đến huyệt đạo này.
Huyệt Hành Gian là gì? Nằm ở đâu?
Mỗi huyệt đạo đều có những đặc tính riêng và có cách xác định vị trí chuẩn xác. Cụ thể những đặc tính và vị trí huyệt Hành Gian như sau:
Tìm hiểu huyệt Hành Gian
Huyệt Hành Gian xuất xứ từ Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2). Giải nghĩa về tên gọi, “Hành” có nghĩa là đi bộ, đi ngang qua, lối đi, “Gian” nghĩa là ở giữa. Tên gọi này cũng phản ánh vị trí huyệt nằm giữa ngón chân thứ nhất và ngón chân thứ hai.
Đặc tính của huyệt:
- Là huyệt đạo thứ 2 thuộc kinh Can.
- Huyệt Vinh, thuộc hành Hoả .
- Huyệt Tả của kinh Can.
Hướng dẫn xác định vị trí huyệt Hành Gian
Việc xác định huyệt Hành Gian ở đâu rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả và độ an toàn khi khai thông trị bệnh. Huyệt đạo nằm ở giữa của ngón chân thứ nhất và ngón chân thứ 2. Cách xác định như sau:
- Bước 1: Ép ngón chân cái sát với ngón chân trỏ.
- Bước 2: Vị trí ngay phần đầu của kẽ giữa hai ngón chân, nằm hướng về phía mu bàn chân chính là Hành Gian huyệt.
Khi giải phẫu vị trí của huyệt sẽ thấy những đặc điểm như sau:
- Dưới da huyệt đạo là khe giữa gân duỗi ngón chân 2 của cơ duỗi dài cùng cơ duỗi ngắn của các ngón chân phía ngoài; Gân duỗi dài riêng của ngón thứ nhất và gân duỗi ngón thứ nhất của cơ duỗi ngắn ngón chân phía trong; Cơ gian cốt mu chân; Khi vào sâu hơn là khe giữa đốt xương ngón chân thứ 1 và ngón chân thứ 2.
- Thần kinh vận động cơ tại vị trí huyệt đạo là nhánh của dây thần kinh chày trước cùng nhánh dây thần kinh chày sau.
- Da vùng huyệt đạo chịu sự chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng của huyệt Hành Gian
Huyệt có tác dụng tại chỗ, toàn thân và theo đường kinh Can. Theo ghi chép từ sách Y học cổ truyền, tác dụng huyệt Hành Gian là tiết hoả, thanh hỏa, thanh hạ tiêu, lương huyết nhiệt, sơ khí trệ và dập tắt phong dương. Do đó, huyệt đạo chủ trị các bệnh như:
- Trị mất ngủ: Bấm huyệt Hành Gian giúp điều tiết giấc ngủ, cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu, ngủ hay giật mình. Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp thêm một số biện pháp như ngâm chân trước khi đi ngủ, sinh hoạt điều độ, không dùng trà hoặc cà phê,… Giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn.
- Điều trị động kinh: Khi tác động đúng cách lên huyệt đạo này sẽ giúp điều hòa thần kinh, cắt cơn động kinh, đồng thời hạn chế khả năng tái phát.
- Trị huyết áp cao: Châm cứu hoặc bấm huyệt đạo Hành Gian có khả năng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh cao huyết áp. Đặc biệt, khi kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học sẽ giúp chỉ số huyết áp ổn định, ngăn ngừa biến chứng bệnh tim mạch nguy hiểm.
- Điều hòa kinh nguyệt: Những trường hợp nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, tắc kinh sẽ áp dụng phác đồ bấm huyệt Hành Gian để cải thiện tình trạng này. Phương pháp phù hợp cho cả nữ giới giai đoạn dậy thì và cả giai đoạn tiền mãn kinh.
- Trị mắt đỏ sưng: Theo Đông y, khi Can hỏa bốc lên sẽ thể hiện ra mắt, do đó, để điều trị mắt đỏ sưng sẽ cần tác động huyệt đạo kinh Can như huyệt Hành Gian.
- Một số bệnh khác: Ngoài ra, khi tác động xoa bóp, bấm huyệt Hành Gian có thể giúp điều trị tình trạng đái dầm hoặc đau vùng xương sườn.
Hướng dẫn khai thông huyệt chuẩn Y học cổ truyền
Để khai thông huyệt Hành Gian điều trị bệnh, Y học cổ truyền ứng dụng hai phương pháp là bấm huyệt và châm cứu.
Bấm huyệt
Phương pháp này được nhiều người áp dụng bởi kỹ thuật rất đơn giản, có thể tự thực hiện tại nhà để trị bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý điều chỉnh lực đạo tác động vừa đủ, không quá mạnh sẽ làm đau huyệt nhưng nếu quá nhẹ sẽ không mang tác dụng trị bệnh.
Kỹ thuật bấm huyệt:
- Bước 1: Xác định huyệt Hành Gian nằm ở đâu.
- Bước 2: Vệ sinh sạch tay, sau đó dùng ngón cái day bấm vào huyệt trong 1 – 3 phút.
- Bước 3: Sau khi kết thúc, dùng lòng bàn tay nhẹ nhàng massage vị trí huyệt để điều hòa lưu thông máu.
Khi day bấm, người bệnh có cảm giác hơi đau tức nhưng đây là phản ứng bình thường, sau khi kết thúc bấm huyệt sẽ hết.
Châm cứu huyệt Hành Gian
Đối với phương pháp châm cứu, chuyên gia khuyến cáo người bệnh không tự ý thực hiện tại nhà vì chỉ cần sơ xuất sai kỹ thuật sẽ gây ra tai biến nguy hiểm. Việc điều trị bệnh bằng châm cứu cần tiến hành bởi chuyên gia, thầy thuốc có kiến thức và kinh nghiệm.
Kỹ thuật châm cứu:
- Bước 1: Xác định vị trí của Hành Gian huyệt.
- Bước 2: Dùng kim châm cứu châm thẳng vào huyệt vị với độ sâu từ 0.3 – 0.4 thốn.
- Bước 3: Cứu trong 5 – 10 phút.
Liệu trình châm cứu huyệt Hành Gian trị bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường sau khoảng 3 liệu trình các triệu chứng bệnh sẽ được thuyên giảm.
Cách phối huyệt Hành Gian trị bệnh
Trong Y thư cổ ghi chép, khi phối Hành Gian huyệt cùng một số huyệt đạo tương thông sẽ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh và hỗ trợ cải thiện nhiều bệnh lý khác. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về cách phối huyệt đạo này.
- Phối cùng huyệt Âm Khích (Tm 6): Điều trị tâm thống (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Thái Xung (C 3): Điều trị họng khô, khát (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Thần Đình (Đc 24): Điều trị chảy nước mắt (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt Phong Môn (Bq 12) + huyệt Tuyệt Cốt (Đ 39): Điều trị thương hàn còn dư nhiệt (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Kiên Tỉnh (Đ 21) + huyệt Thái Xung (C 3) + huyệt Thông Lý (Tm 5) + huyệt Thiếu Hải (Tm 3) + huyệt Túc Lâm Khấp (Đ 41) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36): Điều trị mụn nhọt trên lưng (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36): Điều trị mụn nhọt khắp cơ thể (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Thái Xung (C 3) + huyệt Thiếu Hải (Tm 3) + huyệt Túc Lâm Khấp (Đ 41) + huyệt Thông Lý (Tm 5) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36) + huyệt Ủy Trung (Bq 40): Điều trị mụn nhọt trên lưng (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Dũng Tuyền (Th 1): Điều trị tiểu đường (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt Tinh Minh (Bq 1): Điều trị quáng gà (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + huyệt Đại Đôn (C 1) + huyệt Khí Hải (Nh 6) + huyệt Quan Nguyên (Nh 4): Điều trị tiểu nhiều hoặc tiểu không tự chủ (theo Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối cùng huyệt Cách Du (Bq 17) + huyệt Gian Sử (Tb.5) + huyệt Phục Lưu (Th 7) + huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36) + huyệt Tỳ Du (Bq 20): Điều trị huyết cổ (theo Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối Phục Lưu (Th 7) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36) + huyệt Tam âm Giao (Ty 6): Điều trị chứng chân không đi được (theo Châm Cứu Phùng Nguyên).
- Phối cùng huyệt Hoàn Khiêu (Đ 30) + huyệt Phong Thị (Đ 31): Điều trị thần kinh tọa đau, đau thắt lưng xuống chân (theo Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
- Phối cùng huyệt Chi Câu (Ttu 6) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11): Điều trị thần kinh sườn đau (theo Tân Châm Cứu Học).
- Phối cùng huyệt Phong Trì (Đ 20) + huyệt Hợp Cốc (Đtr 4): Điều trị thanh quang nhãn (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cứu huyệt Bàng Quang Du (Bq 28) + huyệt Quan Nguyên (Nh 4) + huyệt Thái Uyên (P 9) + huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Dũng Tuyền (Th 1): Điều trị tiểu nhiều và tiểu không tự chủ (theo Trung Hoa Châm Cứu Học).
Những thông tin về cách phối huyệt trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người mà bác sĩ, thầy thuốc sẽ thêm hoặc bớt huyệt đạo trong phác đồ trị bệnh. Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe nhanh phục hồi và ngăn ngừa tái phát tốt hơn.
Lưu ý khi bấm huyệt, châm cứu huyệt
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt Hành Gian để đảm bảo hiệu quả cải thiện sức khỏe tốt và không gây biến chứng nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh, teo cơ, bại liệt….
- Xác định vị trí huyệt: Cần đảm bảo xác định chính xác vị trí huyệt đạo để tránh tình trạng bấm huyệt sai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bạn có thể tham khảo từ người có kiến thức, chuyên môn Y học cổ truyền để được hướng dẫn cụ thể.
- Đảm bảo vệ sinh: Tay cùng các dụng cụ hỗ trợ châm cứu, bấm huyệt cần được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt với kim châm cứu phải sát trùng cẩn thận trước khi sử dụng.
- Trạng thái khi điều trị: Trước khi tiến hành châm cứu, bấm huyệt, người bệnh không ăn quá no. Trong quá trình điều trị cần thư giãn, thả lỏng cơ thể. Sau khi điều trị người bệnh không làm việc quá nặng trong 1 – 2 ngày, không đứng trước gió lớn, không vận động mạnh.
- Kiên trì thực hiện: Tương tự như các phương pháp Y học cổ truyền khác, điều trị bệnh bằng châm cứu bấm huyệt cần kiên trì trong một thời gian nhất định để phát huy công dụng rõ rệt. Thông thường sau khoảng 1 – 2 tháng, sức khỏe người bệnh sẽ được cải thiện.
- Ngừng khi có phản ứng phụ: Một số người trong quá trình châm cứu, bấm huyệt xuất hiện những phản ứng phụ như đổ nhiều mồ hôi, chóng mặt, đau đầu, choáng váng,… Lúc này cần ngừng thực hiện và báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý an toàn.
- Chống chỉ định: Phương pháp châm cứu, bấm huyệt được khuyến cáo không áp dụng cho một số đối tượng bao gồm phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi sức khỏe yếu, người bị rối loạn đông máu, người đang mắc bệnh suy gan thận nghiêm trọng.
- Kết hợp sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học: Để hiệu quả trị bệnh cao hơn, chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, một thực đơn dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất, kiêng khem đúng theo từng chứng bệnh.
Huyệt Hành Gian mang đến những tác dụng trị bệnh hữu ích. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là xác định vị trí huyệt chính xác và áp dụng chuẩn kỹ thuật. Để đảm bảo an toàn, chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám Đông y uy tín để thầy thuốc hoặc kỹ thuật viên chuyên môn tiến hành thực hiện.
Xem Thêm:
- Huyệt Đan Điền Nằm Ở Vị Trí Nào, Có Tác Dụng Gì Với Cơ Thể?
- Huyệt Dương Minh Là Gì? Vị Trí Của Huyệt Trên Cơ Thể Nam Giới
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!