Huyệt Thừa Phù: Vị Trí, Cách Châm Cứu Và Lưu Ý Cần Biết
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênHuyệt Thừa Phù là một trong vô số huyệt đạo trên cơ thể con người. Theo Đông y, mỗi huyệt đạo đóng vai trò chủ trị một bệnh đặc trưng, việc xác định được đúng vị trí, cách tác động huyệt phù hợp là yếu tố cốt lõi giúp cải thiện sức khỏe.
Tổng quan về huyệt Thừa Phù
Trong ghi chép từ các tài liệu Y học cổ truyền, huyệt Thừa Phù còn có tên gọi khác là Âm Quang, Bì Bộ, Nhục Kích, Phò Thừa, Phù Thừa hoặc Thừa Phò. Giải nghĩa tên gọi, “Thừa” có nghĩa là tiếp nhận, nối tiếp; “Phù” chỉ chỗ chi tiếp xúc. Huyệt đạo này có thể châm cứu để điều trị bệnh.
- Xuất xứ: Giáp Ất Kinh.
- Vị trí huyệt Thừa Phù: Huyệt nằm ở dưới mông, thuộc phần tiếp nối giữa mông và chi dưới khi cử động.
- Theo giải phẫu: Ngay dưới da vùng huyệt là bờ cơ mông to, bờ trong cơ 2 đầu đùi, bờ ngoài cơ bán gân, cơ bán mạc, cơ khép lớn và cơ khép bé. Dây thần kinh vận động cơ là nhánh của các dây thần kinh hông và nhánh của các dây thần kinh bịt. Da vùng huyệt đạo này được chi phối bởi dây thần kinh tiết đoạn S2.
Theo hướng dẫn được ghi chép trong các tài liệu, cách xác định huyệt Thừa Phù như sau:
- Cách 1: Huyệt Thừa Phù nằm tại điểm giữa nếp gấp mông nối với chi dưới, ngay chính ụ ngồi xương chậu.
- Cách 2: Xác định huyệt Thừa Phù nằm ở đâu dựa vào cử động của cơ thể. Theo đó, khi bạn nằm sấp sẽ thấy dưới mông xuất hiện đường lằn lớn chạy ngay, dùng tay tác động một lực vừa phải lên đường gấp này, cảm thấy đau ở điểm nào thì đó là huyệt Thừa Phù.
Công dụng của huyệt thừa phù đối với sức khỏe
Theo các chuyên gia Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc, huyệt Thừa Phù có tác dụng khứ phong, chỉ thống, thư cân, hoạt lạc. Theo đó, tác động vào huyệt này sẽ cải thiện một số chứng bệnh sau:
- Trị đau thần kinh tọa, bị liệt chi dưới, đại tiện và tiểu tiện khó khăn, bệnh trĩ.
- Giải tỏa các cơn đau nhức, giảm tình trạng căng cứng cơ từ trong đùi đến âm bộ.
- Giảm đau chân, thư giãn cơ và giải tỏa tình trạng tê cứng chân.
Những cách tác động lên huyệt Thừa Phù
Trong Đông y, việc tác động đúng cách vào huyệt Thừa Phù có ý nghĩa quyết định đối với cơ thể. Cụ thể gồm có một số phương pháp phổ biến sau đây:
Day bấm huyệt
Bấm huyệt là biện pháp sử dụng lực của tay nhằm kích thích khả năng phục hồi của cơ thể. Từ đó, giúp đả thông kinh mạch, có tác động trực tiếp vào từng bộ phận trên cơ thể mà huyệt đạo chi phối. Cách day bấm huyệt Thừa Phù như sau:
- Xác định vị trí chính xác huyệt Thừa Phù nằm ở đâu.
- Dùng đầu ngón tay tác động một lực vừa đủ vào huyệt, day ấn trong vòng 2-3 phút.
- Khi mới ấn, người bệnh sẽ cảm thấy tê bì từ phần mông đến toàn bộ chi. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ hết sau khoảng 1 phút bấm huyệt và dần cảm thấy dễ chịu hơn.
- Phương pháp này nên thực hiện đều đặn vài lần cho đến khi chấm dứt các dấu hiệu khó chịu ở vùng lưng, mông và chân.
Đắp thuốc
Ngoài châm cứu, bấm huyệt thì đắp thuốc cũng đem lại hiệu quả trong điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện trong thời gian dài mới có hiệu quả.
Cụ thể, các y bác sĩ thường sử dụng thảo dược tự nhiên là các vị thuốc Đông y nổi tiếng như sinh khương, ngải cứu, thiên niên kiện… Các loại thảo dược này được giã ra và đắp lên vùng da có huyệt đạo, quấn băng cố định lại. Sau một vài giờ có thể tháo bỏ. Người bệnh có thể kết hợp đắp thuộc cùng các biện pháp châm cứu, bấm huyệt để có hiệu quả tốt nhất.
Châm cứu
Một trong những cách tác động vào huyệt Thừa Phù khá phổ biến chính là châm cứu. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa kim châm chuyên dụng vào sâu trong huyệt đạo để phòng và trị bệnh. Cách thực hiện châm cứu huyệt đạo này như sau:
- Người bệnh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nằm sấp trên giường, thả lỏng cơ thể.
- Chuẩn bị dụng cụ châm cứu đã được tiệt trùng, xác định vị trí của huyệt.
- Châm kim thẳng, độ sâu từ 1 – 3 thốn, cứu 3 tráng, ôn cứu từ 5 đến 10 phút.
- Sau khi lưu kim đủ thời gian, nhẹ nhàng rút kim và lập tức sát trùng vị trì vừa châm cứu.
Lưu ý: Khi thực hiện châm cứu, người bệnh có cảm giác căng tức hoặc tê như điện giật lan từ mông xuống bàn chân và biến mất dần. Thao tác thực hiện cần dứt khoát, người bệnh không bị đau nhức quá nhiều, không chảy máu.
Ứng dụng trong châm cứu huyệt Thừa Phù trị thần kinh tọa như sau:
Thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến, người bệnh cảm thấy các cơn đau từ vùng thắt lưng xuống chi dưới, hông, mông… Khi can thiệp bằng Đông y, các thầy thuốc sẽ chỉ định châm cứu để giảm đau nhanh chóng, các bước tiến hành gồm:
- Người bệnh nằm sấp trên giường, tinh thần thoải mái, thả lỏng cơ thể.
- Tìm và xác định vị trí của huyệt trên cơ thể đã được đề cập ở phần đầu bài viết này.
- Chọn kim châm có độ dài phù hợp cơ thể của người bệnh. Châm kim theo hướng thẳng sâu xuống dưới da khoảng 1 – 2 tấc; cứu từ 3 – 5 tráng và ôn từ 5 – 10 phút.
- Vê kim châm nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ trong thời gian nhất định.
- Kết thúc châm cứu, tiến hành rút kim châm nhẹ nhàng, tiệt trùng lại vị trí châm cứu.
- Người bệnh cần châm cứu theo liệu trình từ 2 – 3 tuần hoặc tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể.
Lưu ý: Chỉ nên thực hiện châm cứu vào đúng bên bị đau, tập trung vào các huyệt quanh vùng thắt lưng. Ngoài ra có thể kết hợp giác hơi nóng, ấn huyệt, dùng đèn chiếu hồng ngoại để giảm nhẹ cơn đau mỏi, nhanh phục hồi cơ thể nhanh chóng.
Phối huyệt vị Thừa Phù để trị bệnh hiệu quả hơn
Trong Đông y, việc phối các huyệt vị trên cơ thể rất được chú trọng. Do đó, bên cạnh tác động độc lập, có thể phối huyệt Thừa Phù với các huyệt đạo khác để tăng hiệu quả điều trị gồm:
- Phối Quan Nguyên Du, Túc Tam Lý, Phong Thị, Tam Âm Giao và huyệt Thận Du: Trị đau thần kinh tọa (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
- Phối Quan Nguyên Du, Tọa Cốt, Uỷ Trung: Trị đau đùi, đau thắt lưng (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Những lưu ý an toàn khi tác động vào huyệt Thừa Phù
Bên cạnh việc châm cứu đúng cách, người thực hiện châm cứu cần đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng sau đây:
- Tác động vào huyệt với lực vừa phải, ấn quá nhẹ không đủ lực, ấn quá mạnh có thể gây tổn thương đến xương chỏm ngồi.
- Phụ nữ có thai, người có thể trạng yếu không nên dùng phương pháp châm cứu.
- Không châm cứu khi vùng da tại huyệt đang bị tổn thương, có vết loét hoặc chảy máu.
- Thực hiện theo liệu trình cụ thể và chỉ dẫn của thầy thuốc để có hiệu quả tốt nhất.
- Giai đoạn đầu điều trị thần kinh tọa người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, nhưng cảm giác này sẽ giảm dần và khỏi hoàn toàn.
- Người bệnh thực hiện châm cứu cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tin tưởng vào thầy thuốc.
- Trong trường hợp bệnh nặng cần kết hợp khám chuyên khoa, có chụp chiếu hình ảnh để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất.
- Trước khi bấm huyệt cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Có thể nói, việc xác định huyệt Thừa Phù nằm ở đâu và hiểu rõ về cách tác động huyệt sẽ giúp bạn can thiệp đúng cách, đem lại hiệu quả cao với sức khỏe. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, bạn nên tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn liệu trình phù hợp.
Xem thêm:
- Huyệt Độc Tỵ: Vị Trí, Công Dụng Và Cách Khai Thông Huyệt
- Huyệt Âm Lăng Tuyền – Vị Trí Và Cách Tác Động Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!