Trẻ Ho Có Đờm Không Sốt, Không Sổ Mũi Là Bệnh Gì? Nên Làm Gì
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi là biểu hiện thường gặp. Tuy nhiên bố mẹ không nên chủ quan, bởi đây có thể là triệu chứng của các bệnh lý về hô hấp như viêm phế quản, cảm lạnh, viêm họng cấp,… Nếu không điều trị, bệnh kéo dài có khả năng gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi là bệnh gì? Nguy hiểm không?
Trẻ bị ho có đờm là biểu hiện thường gặp, đặc biệt là những lúc thời tiết chuyển lạnh thất thường. Cơ thể trẻ dễ bị nhiễm lạnh, viêm nhiễm đường hô hấp do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu. Trong đó, tình trạng ho có đờm không sốt, không sổ mũi khá phổ biến, có thể xuất hiện ở trẻ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau.
Tình trạng dịch nhầy tiết ra tại các cơ quan trong hệ hô hấp nhiều quá mức, ứ đọng lại có thể là nguyên nhân kích thích trẻ ho mạnh để tống chúng ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, hiện tượng ho có đờm ở trẻ em cũng có thể là do dị vật bên ngoài lọt vào đường hô hấp, dẫn đến viêm nhiễm, sinh dịch đờm gây ra các cơn ho bất thường.
Nếu bạn nhận thấy trẻ bị ho có đờm không sốt, không sổ mũi và vẫn sinh hoạt bình thường không cần quá lo lắng. Bởi như đã đề cập đây có thể là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể nhằm phản ứng lại tác nhân kích thích bên trong đường hô hấp.
Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng trẻ đang mắc phải các bệnh lý về hô hấp. Đặc biệt là khi trẻ ho có đờm, kèm theo biểu hiện khó thở, mệt mỏi, bỏ ăn, thường xuyên quấy khóc,… Một số bệnh lý có liên quan đến triệu chứng trẻ bị ho có đờm không sốt, không sổ mũi như:
Viêm phế quản cấp
Bệnh viêm phế quản cấp có thể xuất hiện ở trẻ em, còn được gọi là tình trạng sưng cuống phổi. Đây là bệnh lý hô hấp nguy hiểm, bố mẹ cần chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh để có cách xử lý, điều trị cho trẻ. Theo đó, nguyên nhân gây bệnh ở trẻ cho đến nay vẫn chưa tìm ra được câu trả lời chính xác nhất.
Các yếu tố có thể tác động làm khởi phát bệnh ở trẻ như sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, nấm hoặc do trẻ bị dị ứng, tiếp xúc với hóa chất độc hại,… Khi mới mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như ho có đờm không sốt, không sổ mũi, đau rát họng, hắt hơi thường xuyên,…
Tuy nhiên trường hợp trẻ ho một thời gian kèm theo tình trạng sốt nhẹ đến nặng, đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phế quản cấp đã bắt đầu chuyển biến nặng. Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm để phòng tránh các rủi ro không mong muốn.
Viêm tắc thanh quản
Viêm tắc thanh quản cũng là bệnh lý có thể khiến trẻ bị ho có đờm không kèm theo sốt hoặc sổ mũi. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi. Nguyên nhân gây viêm thường là do virus, một số trường hợp do vi khuẩn. Bố mẹ có thể nhận biết bất thường thông qua biểu hiện trẻ bị ho liên tục, kèm theo đó là tình trạng chảy nước mũi, biếng ăn, phù đường thở, khó thở,…
Viêm tắc thanh quản là bệnh lý hô hấp cấn được điều trị sớm. Bởi, trường hợp không can thiệp, trẻ có thể bị khó thở dẫn đến tím tái người, bắt đầu hành sốt từ 39 – 40 độ C. Kèm theo đó là tình trạng dịch nhầy ở thanh quản tiết ra ồ ạt gây tắc đường thở, biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng của bé.
Trẻ bị cảm lạnh
Cảm lạnh là một trong những bệnh lý về hệ hô hấp thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh hình thành do virus gây hại xâm nhập vào cơ thể. Thông thường khi mắc phải chứng bệnh này, những trẻ thể trạng khỏe mạnh có thể tự khỏi sau một thời gian mà không cần đến gặp bác sĩ.
Tuy nhiên trường hợp trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch của các bé còn kém, nếu không xử lý đúng cách có thể gặp phải các rủi ro không mong muốn. Trẻ bị cảm lạnh thường có các biểu hiện như ho, đau họng, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, liên tục hắt xì hơi, có thể sốt hoặc không sốt,…
Nguy cơ trẻ gặp phải biến chứng do viêm nhiễm virus cúm, cảm lạnh không thể chủ quan. Trẻ có thể gặp phải các biến chứng như viêm tai giữa, hen suyễn, viêm xoang, viêm phổi,… nếu tình trạng cảm không thuyên giảm hoặc can thiệp điều trị không đúng phương pháp.
Viêm họng cấp
Viêm họng cũng là một trong những bệnh lý có khả năng khiến trẻ bị ho có đờm không sốt, không sổ mũi. Bệnh hình thành do virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập gây viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc hầu họng. So với người trưởng thành, trẻ em là đối tượng dễ bị viêm họng hơn do hệ miễn dịch còn kém.
Giai đoạn mới phát bệnh, trẻ thường bị ho nhiều, có thể có đờm hoặc không có đờm, giọng khàn đặc, hắt hơi, đau họng,… Sau giai đoạn này, các cơn sốt có thể xuất hiện, thân nhiệt của trẻ tăng từ 38 – 40 độ C tùy vào tình trạng sức khỏe của từng bé.
Viêm họng cấp nếu không được kiểm soát, tái phát thường xuyên có thể chuyển thành mãn tính. Ngoài ra, trẻ có thể đối mặt với các biến chứng nguy hại sức khỏe như áp xe, viêm quanh họng, mắc khí quản, viêm phổi. Tình trạng nặng có thể gây ảnh hưởng đến máu, cầu thận, van tim, màng khớp,… bố mẹ cần hết sức thận trọng.
Các bệnh lý khác
Ngoài các bệnh lý kể trên, tình trạng trẻ bị ho có đờm không sốt, không sổ mũi có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về viêm nhiễm đường hô hấp khác. Chẳng hạn như bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,…
Mặc dù không phải là triệu chứng hiếm gặp và nguy hiểm, tuy nhiên bố mẹ không nên chủ quan. Các bệnh lý về hô hấp cần được can thiệp điều trị để phòng tránh các rủi ro, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Do đó các chuyên gia khuyến khích phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy bé bị ho kéo dài, ho có đờm không khỏi, kèm theo các biểu hiện bất thường khác.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi kéo dài có thể gây ra các ảnh hưởng nhất định cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt là nguy cơ dịch đờm đặc, ứ đọng có khả năng làm tắt nghẽn đường thở, khiến bé hô hấp khó khăn, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hại khác.
Do đó, bố mẹ nên chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và can thiệp điều trị khi cần thiết. Vậy trường hợp nào nên đến gặp bác sĩ? Nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây, phụ huynh nên đưa con đi thăm khám:
- Trẻ sơ sinh bị ho đờm, không sốt nhưng bé không chịu bú, bú ít hoặc trường hợp bé không thể bú, thường xuyên bị nôn trớ.
- Trẻ ngủ mê man đánh thức không chịu dậy, một số trường hợp trẻ bị co giật, đổ mồ hôi.
- Sau ho một thời gian có biểu hiện sốt cao, khó thở, thở co lõm lồng ngực, thở có tiếng rít,…
- Ho có dịch đờm, đôi khi lẫn máu, dịch có màu khác lạ như xanh, vàng sẫm,…
Tùy vào bệnh lý mà trẻ đang gặp phải, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp hoặc can thiệp điều trị bằng các biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng cho trẻ. Ngoài ra, bố mẹ nên kết hợp điều trị theo hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe của trẻ, bổ sung dinh dưỡng để cơ thể trẻ sớm hồi phục.
Nên làm gì khi trẻ bị ho có đờm không sốt, không sổ mũi?
Trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi là triệu chứng thường gặp. Như đã đề cập, đây có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường khi cơ thể tiếp xúc với dị vật tại đường hô hấp. Tuy nhiên một số khả năng khác, triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hại.
Do đó, bố mẹ nên theo dõi biểu hiện của trẻ, có biện pháp can thiệp kịp thời để điều trị, phòng tránh các rủi ro gây hại sức khỏe của trẻ. Thông qua thăm khám, tùy vào từng dạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp. Trẻ có thể được sử dụng thuốc hoặc làm giảm triệu chứng tại nhà thông qua mẹo dân gian. Chẳng hạn:
Dùng thuốc điều trị
Dùng thuốc tân dược điều trị thường không phải là sự lựa chọn hàng đầu đối với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Bởi cơ thể trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị, dưới tác động của dược tính thuốc tân dược. Chính vì thế, phụ huynh chỉ cho trẻ sử dụng khi được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán bệnh lý của trẻ trước khi kê toa thuốc điều trị cho bệnh nhi. Bố mẹ khi sử dụng thuốc cho trẻ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua và cho trẻ sử dụng thuốc tân dược để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Sử dụng mẹo chữa tại nhà
Bên cạnh dùng thuốc Tây trị ho có đờm cho trẻ em, nhiều phương pháp dân gian cũng được áp dụng. Theo đó, hầu hết các nguyên liệu được dùng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên. Vì thế mẹo chữa thường an toàn, lành tính, đặc biệt đối với trẻ nhỏ bị ho mức độ nhẹ.
Các phương pháp này giúp kiểm soát triệu chứng khó chịu, đồng thời cung cấp dưỡng chất giúp tăng đề kháng cho cơ thể trẻ. Dưới đây là một số mẹo thường được sử dụng:
– Tắc chưng đường phèn:
Tắc chưng đường phèn là bài thuốc chữa ho được áp dụng phổ biến hiện nay, có thể áp dụng cho trẻ em. Trong đó, tắc là loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa hại khuẩn và hỗ trợ tăng cường đề kháng. Đường phèn có tính mát, vị ngọt thanh giúp giải độc cho cơ thể.
Hai nguyên liệu kết hợp giúp giảm ho, thông cổ mát họng, làm loãng đờm nhớt giúp bé tống chúng ra khỏi cổ họng dễ dàng hơn. Cách làm đơn giản như sau:
- Bạn chuẩn bị khoảng 2 – 3 trái tắc chín, vỏ xanh, rửa sạch rồi bổ làm đôi.
- Sau đó bạn cho tắc vào chén, thêm đường phèn rồi tiến hành chưng cách thủy.
- Khi thấy đường phèn tan hết có thể lấy ra dùng, cho trẻ uống mỗi lần 1 muỗng cà phê nước siro tắc và đường phèn. Mỗi ngày dùng 3 lần để giảm triệu chứng ho có đờm khó chịu.
– Lê chưng đường phèn:
Bên cạnh cách làm kể trên, món lê chưng đường phèn cũng được nhiều người áp dụng trị ho cho trẻ em. Bởi loại quả này có vị ngọt thanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là giúp hỗ trợ giảm ho an toàn, hiệu quả. Kết hợp với đường phèn chưng cách thủy tăng cường hiệu quả của bài thuốc. Cách làm đơn giản:
- Bạn chuẩn bị một quả lê tươi, rửa và ngâm với nước muối loãng vài phút.
- Tiếp đến bạn cắt thành nhiều miếng nhỏ, bỏ phần lõi bên trong.
- Cho lê cắt vào chén, thêm đường phèn và chưng cách thủy đến khi lê chín nhừ.
- Chắt lấy nước cho bé uống mỗi lần 2 – 3 muỗng cà phê, áp dụng ngày 3 – 4 lần để đẩy lùi cơn ho khó chịu.
Ngoài hai cách kể trên, phụ huynh cũng có thể dùng hẹ chưng cách thủy, cho trẻ uống trà gừng mật ong, chanh đào hấp cách thủy,… để chữa ho có đờm tại nhà. Tuy nhiên bố mẹ cần lưu ý, phương pháp dân gian chỉ áp dụng cho trường hợp nhẹ, cơn ho không quá nặng nề và không kèm theo các triệu chứng khác.
Để đảm bảo an toàn cho các bé, bố mẹ vẫn nên đưa con đến gặp bác sĩ để thăm khám và theo dõi tình trạng sức khỏe. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách can thiệp phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn và phòng tránh các rủi ro không mong muốn.
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ em
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dùng mẹo chữa dân gian, bố mẹ cũng nên lưu ý các biện pháp chăm sóc cũng như phòng ngừa nguy cơ trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi tái phát. Đảm bảo chăm sóc và phòng ngừa tốt giúp trẻ tránh được các bệnh hô hấp khác.
Do đó, phụ huynh nên lưu ý thêm một vài vấn đề sau đây:
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ mỗi ngày, xây dựng cho trẻ thói quen đánh răng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi giúp làm ẩm niêm mạc, loãng đờm khi mũi bị viêm.
- Dùng nước muối súc miệng, khò cổ họng cũng là phương pháp giúp loại bỏ hại khuẩn trong khoang miệng, hầu họng. Phụ huynh có thể pha nước muối ấm, tập cho trẻ súc miệng, khò nước muối hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp.
- Cung cấp cho cơ thể đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Trẻ sơ sinh nên cho bé bú nhiều hơn để giúp làm loãng đờm.
- Bổ sung cho trẻ những thực phẩm dinh dưỡng phù hợp, tránh cho bé ăn những món chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn thức uống lạnh, cay nóng,… Ưu tiên cho bé ăn rau xanh, trái cây tươi để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể, giúp tăng cường đề kháng.
- Có thể sử dụng máy xông tinh dầu, máy tạo độ ẩm trong không gian sinh hoạt, phòng ngủ để giúp trẻ giảm ho. Sử dụng tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu tràm massage lòng bàn chân, pha nước tắm cho trẻ cũng là cách đẩy lùi cơn ho hiệu quả.
- Giữ ấm cho cơ thể trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang cho bé để tránh tác nhân gây hại từ bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp trẻ.
- Vệ sinh không gian sống, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như lông vật nuôi, phấn hoa, bụi bẩn, đặc biệt là với các bé có cơ địa nhạy cảm.
Trên đây là những thông tin về tình trạng trẻ ho có đờm không sốt, không sổ mũi. Đây có thể là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể, tuy nhiên cũng có khả năng là triệu chứng của bệnh hô hấp nguy hại. Nếu không sớm phát hiện và điều trị có thể khiến trẻ gặp phải các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển. Do đó, bố mẹ không nên chủ quan, cần theo dõi biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm.
Xem Thêm:
- Bé Có Đờm Nhưng Không Ho: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
- Trẻ Ho Nhiều Về Đêm Có Đờm: Nguyên Nhân, Cách Chăm Sóc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!