Ho Có Đờm: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Ho có đờm là một trong những biểu hiện cho thấy đường hô hấp đang bị viêm nhiễm. Người bệnh có thể ho ra đờm đặc quánh có màu trắng, xanh hoặc vàng tương tự như mủ. Một số trường hợp ho nặng có thể thấy lẫn trong đờm có máu. Người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp điều trị tình trạng ho có đờm càng sớm càng tốt để phòng tránh các rủi ro.
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm là tình trạng ho kèm theo dịch nhầy trong cổ họng hay còn gọi là đờm (đàm), bị đẩy ra ngoài khi người bệnh ho mạnh. Chất dịch này được tiết ra từ trong các phế nang, phế quản hoặc khí quản, sau khi được sản sinh dịch sẽ được đẩy lại hốc mũi hoặc cổ họng.
Dịch nhầy (đờm) tiết ra quá nhiều sẽ khiến cho người bệnh nghẹt mũi, khó khăn khi thở, gây kích ứng tạo ra những cơn ho để tống đờm ra ngoài. Tình trạng ho có đờm nhầy màu trắng có thể là phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp xúc với vi khuẩn, sau vài ngày sẽ tự khỏi nhờ hoạt động miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.
Tuy nhiên, một số trường hợp cơn ho có thể kéo dài dai dẳng khiến người bệnh gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp và công việc. Ho có đờm kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh bảo một vài bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp, chẳng hạn bệnh viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp, bệnh lao, cảm,…
Trường hợp ho nhẹ, mới khởi phát người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên nếu cơn ho kéo dài dai dẳng, đặc biệt trong dịch nhầy có lẫn máu là tình trạng nguy hiểm, cần thăm khám và điều trị sớm. Bởi nếu không kịp thời kiểm soát, hiện tượng viêm nhiễm có nguy cơ lan rộng và gây các biến chứng nguy hại sức khỏe.
Triệu chứng ho có đờm thường gặp
Tương tự như các dạng ho khác, ho có đờm bắt nguồn từ những vấn đề tại đường hô hấp. Do đó các triệu chứng mà người bệnh gặp phải lúc này cũng có các điểm giống với nhiều bệnh lý. Người bị ho có đờm sẽ nhận thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường như:
- Nặng ngực, cổ họng có cảm giác vướng víu khó chịu.
- Ho ra dịch nhầy có màu trắng, đôi khi xanh hoặc vàng đục. Cơn ho thường xuất hiện vào ban đêm, sáng sớm khi ngủ dậy hoặc khi thời tiết chuyển lạnh thất thường.
- Người bệnh ngoài ho còn kèm theo sốt trong thời gian ngắn, mức độ nhẹ đến nặng khiến cơ thể lạnh run.
- Về đêm cơ thể hay đổ mồ hôi lạnh ngay cả khi nhiệt độ phòng rất nóng.
- Cơn ho kéo dài có khi còn kèm theo các tia máu lẫn trong dịch nhầy khi người bệnh tống chúng ra khỏi cơ thể.
- Ho có đờm khiến ngực đau nhói, khó thở, làm người bệnh mệt mỏi, ăn không ngon, cân nặng từ đó sụt giảm nhanh chóng.
Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện kể trên, nhất là khi chúng xảy ra thường xuyên, kéo dài cơn ho dai dẳng, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Bởi tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý hô hấp nguy hiểm. Nếu không điều trị, tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ngày càng lan rộng có thể gây ra nhiều biến chứng.
Nguyên nhân gây ho có đờm
Tình trạng ho có đờm có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Ho là một trong những phản xạ tự nhiên khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên xâm nhập vào đường hô hấp. Việc ho mạnh nhằm tống chúng ra khỏi cơ thể. Do đó, nguyên nhân gây bệnh có thể là do các yếu tố như:
- Cơ thể tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, hóa chất độc hại, lông vật nuôi, phấn hoa,… làm viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến xuất hiện các cơn ho có đờm khó chịu.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ chuyển từ nóng sang lạnh khiến cho cơ thể người bệnh dễ cảm lạnh, cảm cúm,… Lúc này dịch đờm tiết ra nhiều hơn làm tắt nghẽn đường hô hấp khiến người bệnh ho nhiều hơn.
- Đường hô hấp bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc với người bệnh trước đó, đặc biệt đối với người có sức đề kháng yếu hoặc cơ địa nhạy cảm rất dễ bị lây nhiễm vi khuẩn, virus từ người bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm phát sinh các cơn ho có đờm dai dẳng.
- Người có thói quen hút thuốc lá có hệ hô hấp suy yếu, lâu dần gây ra nhiều bệnh lý trong đó có tình trạng ho kéo dài kèm theo đờm nhớt.
Đây là những yếu tố làm khởi phát tình trạng ho khan, ho có đờm. Nếu nhận biết sớm và có biện pháp điều chỉnh hợp lý, cơn ho có thể được kiểm soát an toàn. Tuy nhiên nguy cơ tái phát cao, do đó người bệnh cần chủ động trong việc phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe từ sinh hoạt đến chế độ ăn uống hàng ngày.
Ho có đờm có thể là dấu hiệu của bệnh gì?
Ngoài những yếu tố kể trên làm phát sinh cơn ho có đờm thường xuyên, tình trạng ho cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý liên quan đường hô hấp. Lúc này, triệu chứng ho có đờm xuất hiện kéo dài, dễ tái phát gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống và sức khỏe. Vậy ho có đờm có thể là dấu hiệu của bệnh gì? Dưới đây là các bệnh lý liên quan:
- Viêm phổi: Bệnh viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Trong đó, ho có đờm là dấu hiệu đặc trưng cảnh báo nguy cơ bạn đang bị viêm phổi. Ngoài ra cơ thể còn kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao, đau tức ngực, buồn nôn, thở khó, đờm khạc ra có màu vàng đậm.
- Bệnh lao phổi: Phế quản bị tổn thương, viêm nhiễm gây ra các kích thích làm sản sinh đờm nhớt trong đường hô hấp. Cơn ho có đờm khởi phát có thể cảnh báo tình trạng lao phổi, hiện tượng ho thường kéo dài trên 3 tuần. Bên cạnh đó người bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như sút cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi vào ban đêm, đau tức ngực, ho liên tục, đờm có màu trắng đục, đôi khi lẫn máu.
- Giãn phế quản: Tình trạng giãn phế quản khó phục hồi do cơn ho kéo dài, kèm theo biểu hiện tức ngực, thở gấp, sụt cân,… Người bệnh thường ho vào buổi sáng sớm, chất nhầy khạc ra có màu vàng đục, đặc như mủ, đôi khi kết dính thành khuôn. Tình trạng giãn phế quản cần sớm được điều trị bởi nếu chậm trễ có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
- Viêm phế quản: Hiện tượng tế bào niêm mạc phế quản bị tổn thương, phù nề lâu ngày dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch tại lòng ống phế quản. Đây là nguyên nhân gây ra các cơn ho có đờm kèm theo thở khò khè khó chịu,… Người bệnh đôi khi bị ho khan kéo dài, kèm theo đờm nhớt do viêm phế quản gây ra. Dịch nhầy có thể có màu xanh đục hoặc vàng đục. Ngoài ra còn gây ra nhiều triệu chứng khác như nghẹt mũi, thở khó, sốt,… không điều trị có thể biến chứng thành lao phổi, gây suy hô hấp nguy hiểm tính mạng.
- Cảm cúm: Đây là một trong những bệnh lý thường gặp gây ra triệu chứng ho có đờm. Cơn ho ngắt quãng, đờm không màu và loãng, người bệnh lúc này có thể bị sốt, đau đầu kèm theo. Bệnh lý này so với các dạng bệnh trên không quá nguy hiểm, có thể chữa khỏi nhanh chóng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Niêm mạc phổi, phế quản bị phù nề, thu hẹp do đường thở viêm nhiễm trong thời gian dài. Tình trạng này có thể xảy ra tại đường hô hấp trên và dưới làm hình thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra, hiện tượng tái cấu trúc niêm mạc phổi và phế quản cũng khiến hệ hô hấp dần suy giảm chức năng, khi gặp dị nguyên dễ phát sinh các cơn ho kéo dài, đồng thời sản sinh đờm nhớt trong đường hô hấp.
- Hen suyễn: Bệnh hen suyễn là một trong những bệnh lý gây ho điển hình. Người bệnh gặp phải các cơn ho kéo dài, tăng nguy cơ co thắt, phù nề,… sinh dịch gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu không kịp thời điều trị có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Trên đây là những bệnh lý có triệu chứng ho có đờm. Khi nhận thấy biểu hiện này kéo dài và kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, bạn nên thăm khám và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ xét nghiệm, kiểm tra tìm ra nguyên nhân gây bệnh và can thiệp khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
Cách chữa trị ho có đờm hiệu quả
Hiện nay với sự phát triển của y học, việc điều trị tình trạng ho có đờm đơn giản hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên để điều trị chính xác bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét nghiệm, kiểm tra để chẩn đoán tình trạng, sau đó đưa ra phác đồ phù hợp cho từng đối tượng.
Ngoài sử dụng thuốc Tây y, một số người còn tìm đến thuốc Đông y và mẹo chữa dân gian điều trị tại nhà. Dựa vào mức độ ho có đờm của từng người nặng hay nhẹ mà áp dụng các phương pháp can thiệp riêng. Dưới đây là các hướng điều trị thường dùng:
Trị ho bằng thuốc Tây
Dùng thuốc Tây y trị ho có đờm giúp người bệnh xoa dịu cơn ho có đờm nhanh chóng, nhờ vào dược tính của thuốc mạnh. Tuy nhiên thuốc có nguy cơ gây tác dụng phụ cao, đặc biệt ở những người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng khi dùng có thể bị phát ban, nổi mề đay,…
Do đó trước khi dùng người bệnh được khuyên thăm khám bác sĩ và thực hiện theo hướng dẫn điều trị. Dưới đây là một số loại thuốc chữa ho có đờm được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Thuốc tiêu đờm: Thuốc có tác dụng làm loãng đờm sau đó loại bỏ chúng ra khỏi đường hô hấp thông qua phản ứng ho bình thường. Các loại thường dùng như ambroxol, erdosteinr, carbocistein,…
- Thuốc long đờm: Tác dụng của thuốc giúp giảm tình trạng đặc quánh, loãng đờm, đồng thời loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Các loại thường dùng như terpin, ipeca, amoni,…
- Thuốc kháng sinh: Thuốc có tác dụng loại bỏ vi khuẩn gây hại, giảm ho, thúc đẩy bệnh nhanh chóng cải thiện. Dùng loại amoxicillin, penicillin, roxithromycin,…
- Thuốc kháng viêm, giảm ho: Dành cho trường hợp bị ho dai dẳng không khỏi, kèm theo các triệu chứng như đau họng, rát họng, sưng tấy, khó ngủ,… Thuốc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, một số loại như ibuprofen, diclophenac, ambroxol,…
Mỗi tình trạng bệnh khác nhau sẽ được chỉ định điều trị với thuốc thích hợp. Người bệnh tránh tự ý mua, sử dụng bừa bãi hoặc kết hợp thuốc khi chưa được yêu cầu. Đặc biệt với đối tượng bệnh nhi, bố mẹ nên đưa con đi thăm khám và dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tương tác thuốc gây hại sức khỏe của trẻ.
Hút dịch đờm bằng máy
Ngoài dùng thuốc Tây, với trường hợp dịch đờm trong đường hô hấp dày đặc gây bít tắc nghiêm trọng sẽ được bác sĩ tư vấn kết hợp cách hút dịch đờm với máy chuyên dụng. Phương pháp này thường được áp dụng kết hợp điều trị bằng thuốc để nâng cao hiệu quả. Một số máy được sử dụng chẳng hạn như:
- Máy hút đờm: Thiết bị giúp loại bỏ nhanh dịch đờm trong cổ họng, xoang mũi. Không chỉ làm sạch, máy còn loại bỏ các tác nhân gây hại nhanh và hiệu quả.
- Máy khí dung: Hoạt động dựa trên cơ chế khuếch tán thuốc corticoid dưới dạng hạt sương cực nhỏ, chúng sẽ thẩm thấu vào bên trong làm loãng dịch đờm và kích thích niêm mạc đường hô hấp. Sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Dùng thuốc Đông y
Thuốc Đông y điều trị nguyên nhân gây bệnh và đồng thời giúp bồi bổ cơ thể, khắc phục các vấn đề khác ở phủ tạng, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Do đó, phương pháp điều trị này hiện nhận được nhiều lượt quan tâm từ người bệnh bên cạnh thuốc Tây y.
Thuốc Đông y có các vị thuốc từ thiên nhiên do đó khá an toàn, lành tính, khả năng phát sinh tác dụng thấp hơn so với thuốc tân dược. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc được sử dụng phổ biến như:
- Bài thuốc 1: Nguyên liệu gồm có 9g tía tô, 6g cát cánh và 3g bạc hà. Nguyên liệu rửa sạch sau đó sắc lấy nước uống với 1,5 lít, đun lửa nhỏ đến khi cạn còn khoảng 2 chén nước, chia 2 lần uống buổi sáng tối. Sử dụng 3 – 5 ngày liên tục để cải thiện ho có đờm.
- Bài thuốc 2: Sử dụng các nguyên liệu như 20g quả la hán, 12g tang bạch bì. Cho vào ấm sắc với 1 lít nước cạn còn khoảng 2 chén, chia thành 2 lần uống. Kiên trì sử dụng 7 – 10 ngày để trị ho.
- Bài thuốc 3: 12g mỗi loại như bạc tử, bạch giới từ, khoản đông hoa, 9g mỗi vị cát cánh, tử uyển, hạnh nhân. Sắc với 1 lít nước đến khi cạn còn khoảng 2 chén nước. Uống thuốc liên tục 5 – 7 ngày, kiên trì mỗi ngày 1 thang thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong quá trình sử dụng thuốc Đông y, người bệnh không nên tự ý kết hợp nhiều bài thuốc, loại thuốc với nhau, đặc biệt là thuốc Tây để tránh gặp phải các tương tác nguy hiểm sức khỏe. Kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để kiểm soát bệnh hiệu quả và an toàn nhất.
Sử dụng mẹo chữa dân gian
Mẹo dân gian giúp giảm ho có đờm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên lành tính, an toàn được nhiều người lựa chọn. Phương pháp này phù hợp với đối tượng bị đờm nhẹ, cơn ho mới khởi phát, do dị ứng hoặc viêm nhiễm nhẹ. Tham khảo các phương pháp đơn giản như sau:
- Uống gừng và mật ong: Sử dụng 1 củ gừng tươi, rửa sạch gọt vỏ rồi giã nát, vắt lấy nước cốt. Sau đó trộn thêm vào một ít mật ong nguyên chất theo tỷ lệ 1:1. Sử dụng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần ngậm nuốt 1 – 2 muỗng cà phê giúp tan đờm, giảm ho hiệu quả. Đồng thời, cách này còn giúp làm sạch miệng, diệt vi khuẩn gây hại, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Uống nước chanh đào và mật ong: Sử dụng 2 muỗng nước cốt chanh đào trộn với 1 muỗng mật ong nguyên chất mỗi ngày giúp tiêu đờm, giảm ho. Ngoài ra, bạn có thể khuấy với nước ấm uống buổi sáng giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch.
- Uống nước rau diếp cá: Rau diếp cá chứa nhiều chất kháng viêm, giúp giảm ho có đờm hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng khoảng 1 nắm lá diếp cá tươi, rửa và ngâm với nước muối pha loãng thật sạch, sau đó giã nhuyễn lọc lấy nước cốt. Mang nước cốt trộn với nước vo gạo hấp cách thủy, uống mỗi ngày để trị ho tại nhà.
Có nhiều mẹo dân gian trị ho có đờm được lưu truyền từ nhiều đời xưa. Bạn có thể tham khảo và áp dụng, tuy nhiên hiệu quả còn tùy vào tình trạng viêm nhiễm và cơ địa của mỗi người. Do đó khi áp dụng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và kết hợp theo dõi cơ thể để kịp thời xử lý khi cần thiết.
Phòng ngừa ho có đờm tái phát
Bên cạnh điều trị, người bệnh nên chủ động trong công tác phòng tránh ho có đờm tái phát bằng cách thay đổi một số thói quen sinh hoạt và ăn uống hằng ngày. Một số vấn đề cần lưu ý như:
- Tránh xa khói thuốc lá và những chất có thể gây hại cho đường hô hấp. Giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ, nên vệ sinh chăn màn,… giúp tránh bụi bẩn xâm nhập gây viêm đường hô hấp. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt là ở nơi công cộng, nơi có nhiều khói bụi bẩn, hóa chất độc hại,…
- Ăn uống đủ chất giúp cơ thể nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước mỗi ngày. Đồng thời bạn nên hạn chế ăn đồ lạnh, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, hạn chế dùng nước ngọt có gas, nước uống chứa cồn, chất kích thích,…
- Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, áp lực ảnh hưởng đến sức khỏe. Chú ý giấc ngủ, ngủ đủ và ngon giấc giúp cơ thể phục hồi, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về thần kinh và hệ hô hấp,…
- Tập thể dục thể thao giúp tăng cường sức đề kháng, cơ thể trở nên dẻo dai hơn, nâng cao hệ miễn dịch giúp phòng tránh các tác nhân gây hại từ bên ngoài xâm nhập gây hại.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng cơ thể, nếu gặp vấn đề bác sĩ sẽ tư vấn hướng giải quyết sớm, kịp thời phòng ngừa các biến chứng.
Ho có đờm là tình trạng thường gặp, hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp nhận thấy cơn ho xuất hiện kéo dài, kèm theo một số biểu hiện bất thường khác, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị. Bởi ho có đờm có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý hô hấp nguy hiểm, có nguy cơ phát sinh biến chứng gây hại sức khỏe và tính mạng.
Xem Thêm:
- Mẹ Bầu Bị Ho Có Đờm: Chăm Sóc Đúng Cách Và Điều Trị An Toàn
- Trẻ Ho Có Đờm Không Sốt, Không Sổ Mũi Là Bệnh Gì? Nên Làm Gì
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!