Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây sa nhân là tên gọi của dược liệu được dùng làm thuốc điều trị nhiều bệnh lý. Chẳng hạn, dùng sa nhân chữa chướng bụng, đầy hơi, cải thiện các vấn đề tiêu hóa, răng miệng,… Trong Đông y, loại cây này là dược liệu quý, mang lại nhiều giá trị sức khỏe.
Thông tin về cây sa nhân
Cây sa nhân hay còn gọi là súc sa mật, xuân sa, cây la vê, sa ngần, co nẻnh hoăc mé tré bà,… Cây dược liệu có tên khoa học là Amomum Vilosum Lour, thuộc họ Zingiberaceae (họ Gừng). Loại cây này mọc hoang ở nhiều nơi, tuy nhiên rất ít người biết đến giá trị dược liệu của sa nhân.
Đặc điểm dược liệu
Cây mọc hoang ở nhiều nơi, do hình dáng bên ngoài khá giống với cây riềng nên nhiều người nhầm lẫn. Do đó, để phân biệt được hai loại cây này với nhau, đầu tiên bạn cần hiểu rõ đặc điểm thực vật của sa nhân:
- Cây sa nhân là cây thân thảo, cây khi trưởng thành cao từ 1m – 2m, bò ngang trên mặt đất.
- Lá của dược liệu thường mọc so le, có thuôn dài như hình lưỡi mác, màu xanh thẫm. Hai mặt lá sa nhân nhẵn bóng, chiều dài mỗi phiến lá từ 15cm đến 35cm, chiều ngang từ 4cm đến 7cm.
- Cây sa nhân ra hoa mọc thành từng chùm, mỗi hoa có khoảng 3 – 6 cụm và chia thành 4 – 6 bông nhỏ mỗi cụm. Hoa cây dược liệu màu trắng đốm tím. Hoa thường mọc ở ngọn nằm gần sát mặt đất.
- Cây có quả hình trứng, kích thước bằng khoảng đầu ngón tay cái. Bên ngoài vỏ quả có gai, khi dùng lực tác động quả sẽ tự tách thành 3 mảnh.
Phân bố
Loại cây này ưa những nơi có khí hậu nóng ẩm, thường tìm thấy nhiều ở các nước như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam,… Sa nhân có nhiều loài đa dạng, chẳng hạn như sa nhân quả dài, sa nhân trâu, sa nhân đỏ,…
Cây sa nhân đỏ và sa nhân trắng được sử dụng làm thuốc phổ biến, chứa nhiều dược tính phù hợp với sức khỏe. Hiện nay, tại nước ta, số lượng sa nhân mọc ngày càng nhiều, nhất là ở các khu vực phía Bắc.
Do nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng gia tăng, nhiều người đã tiến hành nhân giống, nuôi trồng cây sa nhân tại các trung tâm dược liệu. Cây dược liệu trồng đơn giản, không tốn quá nhiều công chăm sóc.
Bộ phận dùng
Sử dụng quả sa nhân làm thuốc.
Thu hoạch, chế biến
Cây sa nhân ra quả vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm. Thời gian này cũng rất thích hợp để thu hoạch dược liệu. Quả đủ tiêu chuẩn thu hoạch có vỏ màu vàng đậm, gai thưa và dễ bóc vỏ, hạt vàng. Sau khi thu hái sẽ được loại bỏ vỏ, sử dụng phần nhân rửa sạch rồi chế biến.
Thông thường, người ta sẽ dùng nhân quả phơi dưới nắng hoặc cũng có thể sấy bằng cách hơ lửa đến khi dược liệu khô. Để bảo quản dùng lâu dài, dược liệu sau khi khô sẽ được tán thành bột mịn. Ngoài ra, một số người đem dược liệu ngâm rượu, tuy nhiên cách này chỉ ít người dùng.
Bảo quản
Đựng dược liệu trong lọ hoặc túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc, côn trùng.
Thành phần hóa học
Quả sa nhân trắng có chứa khoảng 2% đến 3% tinh dầu. Trong tinh dầu chứa các thành phần nhu phelandren, saponin, d-camphor, i-limonen, linalola, pinen,…
Quả sa nhân tím có chứa khoảng 0,65% tinh dầu. Trong đó, các thành phần như pinen, camphor, caren-3, limonen-borneol,…
Tính vị và quy kinh cây Sa Nhân
Cây sa nhân có tính ôn, vị cay và mùi thơm đặc trưng. Quy vào kinh Tỳ, Thận, Vị.
Tác dụng của cây sa nhân
Dược liệu được ghi chép mang lại nhiều giá trị đối với sức khỏe, ngoài ra y học hiện đại cũng ghi nhận nhiều lợi ích từ sa nhân. Cụ thể:
Theo y học cổ truyền
Đông y ghi chép, cây sa nhân có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Trong đó có thể kể đến một số lợi ích nổi bật như giúp hành khí, ôn trung chỉ tả, an thai, tiêu trừ phong thấp, hóa thấp,… Bên cạnh đó, dược liệu còn có tác dụng giảm đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, và hỗ trợ cải thiện các bệnh lý khác.
Theo y học hiện đại
Các thành phần có trong cây sa nhân mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe. Trong đó có hiệu quả trong việc phòng ngừa, điều trị cũng như bồi bổ cơ thể, giúp điều hòa máu huyết, bồi bổ tỳ vị, cải thiện hệ tiêu hóa.
Đặc biệt, vị thuốc này có có tác dụng trong hỗ trợ chữa trị viêm đại tràng cấp – mãn tính, bệnh dạ dày và nhiều vấn đề răng miệng khác. Không những vậy còn giúp cải thiện các triệu chứng về gan, nhất là tình trạng xơ gan cổ trướng.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây sa nhân
Cây sa nhân được dùng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh lý. Từ xưa được ông bà ta sử dụng và lưu truyền cho đến ngày nay. Tham khảo các bài thuốc từ dược liệu như sau:
Bài thuốc chữa bệnh tiêu hóa
Chuẩn bị: 6g sa nhân, kết hợp với 12g mỗi vị hạt sen, sơn trà, thần khúc, thêm 300g gạo tẻ, 150g cháy cơm và kê nội kim khoảng 3g.
Thực hiện: Nguyên liệu nghiền thành bột, mỗi lần dùng khoảng 12g hòa tan với nước ấm, uống với một chút đường. Ngày dùng 2 – 3 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc hỗ trợ trị bệnh viêm đại tràng
Chuẩn bị: 1g bột sa nhân, 1g bột mộc hương, 30g bột sắn dây.
Thực hiện: Cho một lượng nước vừa đủ nấu chín bột sắn dây, sau đó cho các bột dược liệu vào cùng. Khuấy đều, có thể thêm vào một ít đường trắng. Ăn mỗi ngày 2 lần giúp cải thiện tình trạng viêm đại tràng.
Bài thuốc trị ăn không tiêu, nấc, nôn do tỳ vị hư hàn
Chuẩn bị: 6g sa nhân, 4g mộc hương, 10g mỗi vị gồm đảng sâm, bán hạ, bạch truật, bạch linh, 6g trần bì, 8g sinh khương, 3g cam thảo.
Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch sau đó cho vào nồi sắc lấy nước uống.
Bài thuốc thuốc giảm cholesterol máu tăng cao
Chuẩn bị: 8g sa nhân, 15g củ chóc, phòng đảng sâm, câu đằng, 12g mỗi vị vỏ quýt, thạch cao, bạch hà, củ tóc bỏ lõi, 10g mỗi vị cúc hoa vàng, lá tre non.
Thực hiện: Nguyên liệu cán thành bột mịn, sau đó vo thành viên hoàn, mỗi lần uống từ 20 – 30g.
Bài thuốc trị đờm nhiều, ho
Chuẩn bị: 8g mỗi vị như sa nhân, bán hạ, phục linh, kết hợp với 6g trần bì, 6g chỉ xác.
Thực hiện: Nguyên liệu sắc nấu nước uống.
Bài thuốc hỗ trợ trị loét dạ dày mãn tính
Chuẩn bị: 6g sa nhân, 1 cái dạ dày lợn.
Thực hiện: Nấu canh sa nhân với dạ dày lợn, ăn trong khoảng 10 ngày để phục hồi viêm loét đại tràng.
Bài thuốc giúp giảm ốm nghén, nôn ói cho thai phụ
Sử dụng sa nhân làm thuốc cho phụ nữ mang thai, giúp giảm tình trạng thai nghén khó chịu. Tham khảo các bài thuốc như sau:
Bài thuốc 1: Sử dụng 3g sa nhân kết hợp với 30g gạo tẻ. Nấu cháo gạo tẻ cho chín mềm rồi thêm bột sa nhân vào, đun trên lửa nhỏ sau đó ăn cháo khi còn ấm. Dùng sáng và tối trước khi đi ngủ để giảm cảm giác khó chịu khi bị thai nghén.
Bài thuốc 2: Dùng 3g sa nhân, 1 con cá diếc và các gia vị khác. Sau khi sơ chế cá, bạn cho sa nhân vào bên trong bụng cá, tiến hành hầm nhừ rồi nêm nếm gia vị. Khi cá chín thêm vào hành và gừng cho thơm, đun thêm khoảng 1- 2 phút có thể thưởng thức món ăn.
Bài thuốc chữa tiêu chảy
Chuẩn bị: 8g mỗi vị gồm cây sa nhân, can khương, nhục quế, một ít vỏ quýt, vỏ rụt, 12g mỗi vị gồm tục đoạn, phá cố, củ mài sao vàng, cùng với bổ chính sâm.
Thực hiện: Nguyên liệu tán bột mịn, mỗi lần dùng khoảng 20g bột pha nước ấm uống, dùng hằng ngày để bệnh sớm cải thiện.
Bài thuốc chữa sâu răng, đau răng
Chuẩn bị: Sa nhân.
Thực hiện: Tán dược liệu thành bột, khi bị đau răng dùng một ít chấm vào vị trí răng đau, ngậm khoảng 5 – 7 phút rồi súc miệng với nước sạch.
Lưu ý khi dùng cây sa nhân chữa bệnh
Sử dụng cây sa nhân làm thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý răng miệng, dạ dày khá hiệu quả. Do đó, từ xưa ông bà ta đã lưu truyền nhiều bài thuốc từ dược liệu này. Tuy nhiên khi dùng bạn nên lưu ý thêm một vài vấn đề sau đây:
- Trước khi sử dụng dược liệu, người bệnh nên thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương, viêm nhiễm. Sau đó nhờ bác sĩ, thầy thuốc tư vấn hướng điều trị phù hợp.
- Không lạm dụng dược liệu, mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên nếu dùng với số lượng lớn có thể phát sinh nhiều vấn đề khác, ảnh hưởng sức khỏe.
- Tránh đun dược liệu quá lâu khiến dược chất bên trong dược liệu mất đi, làm giảm hiệu quả chữa bệnh.
- Không nên dùng nếu cơ thể người bệnh bị hư nhiệt. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ, người có chuyên môn trước khi dùng.
- Trong quá trình dùng nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường nên thông báo với thầy thuốc để được khắc phục sớm.
- Không tự ý kết hợp sa nhân với các dược liệu khác khi chưa được hướng dẫn. Nhất là không nên kết hợp với thuốc tân dược bừa bãi để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để cải thiện sức khỏe. Kết hợp vận động, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy cơ thể sớm hồi phục.
Hy vọng thông tin về cây sa nhân trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về loại dược liệu này. Nếu muốn sử dụng dược liệu, trước hết bạn cần thăm khám và nhận tư vấn từ thầy thuốc, bác sĩ. Trường hợp áp dụng bài thuốc chữa bệnh từ sa nhân một thời gian không hiệu quả, nên thông báo để được hỗ trợ xử lý, điều chỉnh sớm, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!