Huyệt Thông Thiên Ở Đâu? Kỹ Thuật Châm Cứu Và Bấm Huyệt
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênTrong Y học cổ truyền, huyệt Thông Thiên được biết đến với công dụng điều trị các bệnh lý vùng đầu và bệnh về mũi. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng huyệt tối đa sẽ cần xác định đúng vị trí và tác động chuẩn kỹ thuật. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về huyệt đạo đặc biệt này.
Huyệt Thông Thiên Là Gì?
Huyệt Thông Thiên có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, là huyệt đạo thứ 7 của kinh Bàng Quang và cũng nằm trong nhóm 5 huyệt đạo trên đầu trị thiên đầu thống hiệu quả.
Trong Trung Y Cương Mục phân tích ý nghĩa tên gọi của huyệt đạo như sau: “Thông” nghĩa là thông suốt, “Thiên” ý chỉ vùng đầu. Ý nghĩa này cũng phản ảnh huyệt là nơi khí của kinh Bàng quang thông với huyệt Bá Hội vùng đầu, giúp trị các bệnh ở mũi, do mũi liên hệ với hệ hô hấp và làm cho nó thông với thiên, do đó gọi là Thông Thiên.
Ngoài ra, huyệt cũng có một số tên gọi khác như huyệt đạo Thiên Cữu, huyệt đạo Thiên Nhật.
Xác định vị trí huyệt
Huyệt Thông Thiên nằm ở trên đầu, gần với đường giữa của đỉnh đầu. Vị trí huyệt nằm ngay sau huyệt Thừa Quang (Bq 6) 1.5 thốn hoặc đo từ huyệt Bá Hội (Đc 20) ngang ra 1.5 thốn.
Các cách xác định vị trí cụ thể:
- Cách 1: Dùng 2 đầu ngón tay đặt lên đỉnh của 2 tai, đo một khoảng 3 thốn lên phía trên chính là vị trí huyệt đạo ở 2 bên cần tìm.
- Cách 2: Đặt ngón tay trỏ tại vị trí giữa đỉnh đầu, sau đó dịch chuyển ngón tay dọc theo đường cong của đầu về phía tai, cách khoảng 1.5 tấc (thốn) sang hai bên.
Khi giải phẫu huyệt sẽ thấy các đặc điểm như:
- Dưới da vùng huyệt đạo thông thiên là cân sọ, xương sọ.
- Da vùng huyệt đạo sẽ chịu chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định vị trí chính xác của huyệt Thông Thiên, nên nhờ sự trợ giúp từ các chuyên gia y học cổ truyền hoặc những người có kinh nghiệm trong việc bấm huyệt. Việc xác định đúng vị trí huyệt đạo là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả khi thực hiện các phương pháp trị liệu.
Tác dụng của Thông Thiên huyệt
Trong Y học cổ truyền, huyệt đạo Thông Thiên có tác dụng khứ phong, giải biểu và thông lợi tỵ khiếu. Vì vậy, huyệt thường được ứng dụng trong điều trị các vấn đề như:
- Chữa đau đầu và chóng mặt: Huyệt được sử dụng để giảm đau đầu, đặc biệt là đau đầu do căng thẳng hoặc do thời tiết thay đổi. Nó cũng giúp giảm triệu chứng chóng mặt và hoa mắt.
- Cải thiện tuần hoàn máu lên não: Kích thích huyệt đạo này giúp cải thiện tuần hoàn máu lên não, giảm thiểu tình trạng thiếu máu não, giúp đầu óc tỉnh táo và minh mẫn hơn.
- Giảm triệu chứng viêm xoang và nghẹt mũi: Huyệt này được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến xoang như viêm xoang, nghẹt mũi, và các bệnh lý về mũi khác.
- Giảm stress và căng thẳng: Châm cứu và day bấm huyệt Thông Thiên đúng cách sẽ giảm căng thẳng, lo âu và stress, giúp cơ thể thư giãn và tinh thần thoải mái hơn.
- Cải thiện giấc ngủ: Huyệt cũng có tác dụng trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp người bị mất ngủ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt
Trong Y học cổ truyền ứng dụng 2 phương pháp châm cứu và bấm huyệt để khai thông huyệt đạo Thông Thiên.
Bấm huyệt Thông Thiên
Bấm huyệt đạo có thể tự thực hiện tại nhà, tuy nhiên nếu bạn là người mới hoặc không có kinh nghiệm, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y học cổ truyền hoặc bác sĩ.
Cách thực hiện:
- Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa để xác định vị trí của huyệt Thông Thiên theo hướng dẫn trên.
- Sử dụng ngón tay cái hoặc ngón trỏ để ấn nhẹ lên huyệt.
- Áp lực ấn nên vừa phải, không quá mạnh để tránh gây đau đớn.
- Giữ lực ấn trong khoảng 1 – 2 phút, kết hợp với hít thở sâu và đều.
- Có thể thực hiện mỗi ngày từ 2 – 3 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Châm cứu huyệt đạo
Châm cứu là một kỹ thuật phức tạp và cần được thực hiện bởi các chuyên gia y học cổ truyền có chứng chỉ và kinh nghiệm.
Kỹ thuật thực hiện châm cứu
- Rửa tay sạch sẽ và đảm bảo vùng da nơi châm cứu cũng được vệ sinh.
- Xác định chính xác vị trí huyệt Thông Thiên như đã hướng dẫn.
- Chuyên gia sẽ dùng kim châm cứu để châm vào huyệt Thông Thiên.
- Độ sâu của kim châm cứu từ 0.3 – 0.5 thốn và góc châm huyệt đạo là châm xiên.
- Cứu 1 – 3 tráng và ôn cứu 5 – 10 phút tùy từng tình trạng bệnh nhân.
- Sau thời gian quy định, nhẹ nhàng rút kim ra.
- Vệ sinh lại vùng da đã châm cứu và kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào không.
Phác đồ phối huyệt trị bệnh
Khi phối huyệt Thông Thiên cùng các huyệt đạo tương hợp trong hệ thống kinh mạch sẽ giúp phát huy tác dụng trị bệnh hiệu quả tốt hơn.
- Phối cùng huyệt đạo Lạc Khước (Bq 8): Điều trị tình trạng người cứng như gỗ (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Thừa Quang (Bq 6): Có tác dụng điều trị mặt liệt, nước mũi chảy (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Ấn Đường + huyệt đạo Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt đạo Thượng Tinh (Đc 23): Giúp điều trị mũi viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Thái Dương + huyệt đạo Phong Trì + huyệt đạo Hợp Cốc: Điều trị trị đau đầu.
- Phối cùng huyệt đạo Ngũ Xứ (Bq 5) + huyệt đạo Thừa Quang (Bq 6) + huyệt đạo Lạc Khước (Bq 8) + huyệt đạo Ngọc Chẩm [Bq 9]): Điều trị thiên đầu thống do vận hành khí rối loạn .
Bài viết cung cấp chi tiết các thông tin về huyệt Thông Thiên. Hy vọng thông quá đó, bạn sẽ trang bị thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe hiệu quả và an toàn nhất.
Xem Thêm:
- Huyệt Thiên Trì Ở Đâu? Cách Châm Cứu, Bấm Huyệt Chữa Bệnh
- Huyệt Thiên Đỉnh: Vị Trí, Công Dụng Và Các Cách Phối Huyệt Đạo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!