Phương Pháp Bấm Huyệt Chữa Thoái Hóa Đốt Sống Cổ
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ được sử dụng rộng rãi. Phương pháp này có nguồn gốc từ Y học cổ truyền, giúp tác động vào huyệt đạo, kích thích tuần hoàn máu, giải phóng dây thần kinh bị chèn ép, cải thiện các triệu chứng, kiểm soát bệnh và nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Bấm huyệt là phương pháp trị bệnh nguồn gốc từ Y học cổ truyền, đã được nghiên cứu và ứng dụng từ xưa đến nay. Mục đích của phương pháp này là giúp tác động của các huyệt đạo trên cơ thể, đả thông kinh mạch, kích thích máu huyết lưu thông và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép để giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Bấm huyệt được chỉ định điều trị cho đa dạng bệnh lý, trong đó có tình trạng thoái hóa đốt sống cổ. Từ lâu, phương pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ đã được nhiều người lựa chọn thực hiện. Bởi, việc tác động từ bên ngoài thông qua kinh mạch trong cơ thể không bắt buộc người bệnh phải sử dụng thuốc.
Nhờ đó, người bệnh có thể phòng tránh được các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, phương pháp bấm huyệt thực tế chỉ góp phần hỗ trợ giảm đau, thư giãn cơ thể. Đối với trường hợp bệnh nặng, thoái hóa đốt sống cổ biến chứng,… người bệnh phải áp dụng các phương pháp chuyên sâu hơn.
Bấm huyệt không thể chữa dứt điểm các bệnh mãn tính. Bên cạnh điều trị bằng nội – ngoại khoa, người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến thầy thuốc, bác sĩ kết hợp giải pháp xoa bóp, massage, day ấn huyệt đạo để giảm đau, giúp cơ thể thư giãn thoải mái hơn.
Mặc dù khá an toàn, thế nhưng nếu bấm huyệt sai cách, bấm bằng lực quá mạnh có thể gây đau nặng hơn. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng, bởi các tác động khi bấm huyệt sẽ không làm tổn thương đến các cơ quan khác bên trong cơ thể.
Nhằm đảm bảo an toàn, trước khi tự thực hiện tại nhà, người bệnh nên tìm cơ sở khám chữa bệnh theo Y học cổ truyền để được hướng dẫn chi tiết cách bấm phù hợp với tình trạng sức khỏe. Vì khi bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ sai cách có thể khiến vị trí tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến tình trạng thoái hóa chuyển biến nặng nề.
Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả chữa thoái hóa đốt sống cổ tốt nhất, người bệnh cần kết hợp chăm sóc từ ăn uống đến sinh hoạt, điều chỉnh thói quen lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe. Nếu nhận thấy cơ thể có triệu chứng bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ, thầy thuốc để được hỗ trợ sớm.
Hướng dẫn bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ là hướng điều trị tác động bên ngoài, không sử dụng thuốc. Hiệu quả mang lại giúp đả thông kinh mạch cơ thể, kích thích lưu thông máu huyết, giảm áp lực cho dây thần kinh và thư giãn xương khớp,… Hướng dẫn cách thực hiện:
Bước 1: Xác định huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Đầu tiên, người bệnh cần xác định vị trí huyệt để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thực hiện. Các huyệt cần tác động để điều trị thoái hóa đốt sống cổ bao gồm huyệt Á thị, Kiên tỉnh, Hậu khê, Phong trì, Bách hội. Cụ thể:
- Huyệt Á thị: Huyệt không có vị trí cố định như các huyệt thông thường. Người bệnh sẽ thông qua vùng bị đau nhức để xác định. Huyệt nằm ở vị trí gây đau nhiều nhất khi người bệnh dùng ngón tay ấn nhẹ.
- Huyệt Kiên tỉnh: Huyệt nằm ở lõm bả vai, nơi giao với đường thẳng vắt ngang đầu, tại điểm cao nhất của xương đòn. Khi người bệnh giơ tay ngang, trên vai có một vị trí hõm vào mà khi ấn sẽ gây cảm giác tức nhẹ.
- Huyệt Hậu khê: Nằm ở vùng lõm phía sau xương bàn tay và ngón tay út. Cụ thể hơn, huyệt nằm ngang với đầu của đường vân tim trong tay, đồng thời giao nhau da mu bàn tay và gan tay.
- Huyệt Phong trì: Huyệt nằm ở phần lõm ở sau tai, nơi giáp nhau giữa chân tóc với cổ.
- Huyệt Bách hội: Huyệt nằm ở chính giữa đỉnh đầu, nơi giao nhau giữa đường ngang phía trên đỉnh vành tai và đường dọc giữa đầu.
Bước 2: Xoa bóp đốt sống cổ
Sau khi đã tìm hiểu vị trí các huyệt cần tác động, người bệnh sẽ thực hiện xoa bóp vùng cổ nhẹ nhàng trước khi bấm huyệt. Thao tác này góp phần thư giãn cổ, làm quen với các tác động để tránh phản ứng tương tác của cơ thể trong quá trình bấm huyệt đạo. Cách xoa bóp thực hiện như sau:
- Cổ: Sử dụng các ngón tay xoa bóp nhẹ ở cổ trong khoảng 5 phút. Dùng lực xoa ổn định, tác động từ dưới lên trên, sau đó đổi chiều từ trên xuống dưới.
- Gáy: Người thực hiện sẽ đan hai bàn tay vào nhau rồi đặt ra phía sau gáy. Tiến hành chà nhẹ, massage trong 3 phút theo hướng từ chân tóc xuống hai vai. Ngoài ra, người thực hiện sẽ kết hợp tay, bấm và day nhẹ vào vị trí đốt sống cổ bị đau trong khoảng 3 phút tiếp theo.
- Vai: Người bệnh sẽ ngồi với tư thế cúi đầu về phía trước. Đồng thời lúc này này người thực hiện sẽ tiến hành động tác xoa bả vai. Tay nắm thành nắm đấm, đấm nhẹ lên cơ bắp trong 10 phút để kích thích lưu thông máu và giãn cơ.
Bước 3: Tiến hành bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Sau khi thực hiện các bước bên trên, người bệnh sẽ thực hành bấm huyệt chữa thoái hóa cột sống cổ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần xác định huyệt, thực hiện thao tác bấm đúng cách. Tham khảo cách bấm tại các huyệt cụ thể như sau:
- Huyệt Phong trì: Dùng hai ngón tay cái bấm vào vị trí của huyệt, đồng thời ôm trọn vùng đầu bằng các ngón tay còn lại. Ấn huyệt lực nhẹ nhàng, vừa phải trong 2 phút. Áp dụng kiên trì mỗi ngày 7 lần để giảm đau.
- Huyệt Kiên tỉnh: Người thực hiện sử dụng lực của ngón tay cái ấn vào vị trí huyệt kiên tỉnh, thực hiện trong 1 phút 30 giây rồi thả ta ra. Lặp lại 6 – 7 lần trong ngày hoặc khi thấy đau mỏi.
- Huyệt Bách hội: Dùng ngón tay ấn vào giữa huyệt, giữ trong khoảng 30 giây rồi thả ra, lúc này da sẽ có cảm giác hơi tê. Thực hiện mỗi ngày 5 lần giúp giảm tình trạng cứng cổ do thoái hóa đốt sống gây ra.
- Huyệt Á thị: Dùng ngón tay ấn và day huyệt nhẹ nhàng, lực vừa phải. Tác động và giữ trong khoảng 45 giây sau đó thả ngón tay ra. Lặp lại 5 lần bấm huyệt Á thị mỗi ngày.
- Huyệt Hậu khê: Ấn vào huyệt bên tay phải trong khoảng 2 phút rồi thả ra, thực hiện đổi bên. Lặp lại mỗi ngày 5 lần.
Bước 4: Bài tập thư giãn cổ
Khi đã thực hành xong các động tác bấm huyệt kể trên, người bệnh nên tập các bài tập giúp thư giãn cổ, hỗ trợ tăng hiệu quả điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Một số bài tập đơn giản như:
- Cúi ngửa cổ: Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế, giữ đầu cân bằng, hướng mắt về phía trước. Sau đó thực hiện động tác cúi đầu xuống thấp sao cho chạm được cằm vào ngực, giữ vài giây rồi trở về tư thế cũ. Tiếp đến ngả đầu về sau, giữ vài giây rồi thả lỏng về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác từ 5 – 7 lần, kết hợp hít thở đều.
- Kéo cổ: Người bệnh vẫn ngồi trên ghế, sau đó vòng tay trái ôm qua đầu nắm lấy tay phải, kéo cổ về bên trái từ từ, giữ vài giây rồi trở về tư thế ban đầu. Thực hiện đổi bên, kéo cổ về bên phải. Lặp lại động tác này từ 5 – 7 lần để thư giãn cổ.
- Nhấc vai: Thực hiện nhấc vai lên xuống 10 lần giúp thư giãn, thả lỏng vùng vai gáy sau khi bấm huyệt.
Phương pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên người bệnh cần xác định chính xác vị trí các huyệt cần tác động, đồng thời chỉ sử dụng lực vừa phải, không ấn day mạnh gây đau vị trí bị tổn thương. Bấm huyệt vào buổi sáng và trước khi ngủ giúp hạn chế nguy cơ cứng khớp, cải thiện tình trạng đau mỏi hữu hiệu.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Phương pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ được nhiều người quan tâm và áp dụng. Mang lại hiệu quả giảm đau, tăng cường lưu thông máu, giúp thư giãn cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên khi thực hiện, bạn đọc nên lưu ý một vài vấn đề sau đây:
- Phương pháp có tác dụng cải thiện triệu chứng, hỗ trợ kiểm soát thoái hóa đốt sống cổ. Thực tế, bấm huyệt không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn tình trạng bệnh mãn tính. Ngoài ra, phương pháp này không thể thay thế cho các biện pháp can thiệp chuyên khoa, do đó bạn nên thăm khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hành.
- Tùy vào cách bấm huyệt, tác động lực của mỗi người mà hiệu quả bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ sẽ không giống nhau. Đồng thời, do tác động từ bên ngoài nên đòi hỏi người bệnh phải thực hiện kiên trì để thu được kết quả tốt nhất.
- Trường hợp bệnh nhân trên 50 tuổi cần kiểm tra mật độ xương khớp trước khi thực hành phương pháp bấm huyệt hoặc xoa bóp, nhằm phòng ngừa tình trạng tác động lực ảnh hưởng đến xương, đặc biệt là đối tượng bị loãng xương.
- Sử dụng lực vừa phải, không ấn day huyệt quá mạnh có thể khiến da bị bầm tím, tác động đến các mô mềm xung quanh, dẫn đến tình trạng đau mỏi trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không bấm huyệt cho đối tượng bị tổn thương vùng cổ, có vết thương hở, lở loét, sưng tấy. Trường hợp thai phụ, phụ nữ đang cho con bú, trẻ dưới 16 tuổi cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Kết hợp phương pháp bấm huyệt điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để bệnh sớm cải thiện. Nhất là thay đổi các thói quen xấu bằng những thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, điều chỉnh tư thế ngồi, nằm hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước,… Không hút thuốc lá và hạn chế lạm dụng thức uống chứa cồn, chứa chất kích thích,…
Thông tin về phương pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc biết thêm một hướng điều trị bệnh. Nếu có nhu cầu thực hiện, trước hết bạn nên thăm khám, xác định mức độ tổn thương đang gặp phải, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc để có sự lựa chọn tốt nhất, đảm bảo an toàn điều trị.
Xem Thêm:
- 3 Cách Xoa Bóp Chữa Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Giảm Đau Nhanh
- Chữa Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Bằng Diện Chẩn – Ưu Nhược Điểm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!