Huyệt Thiên Đột: Vị Trí, Tác Dụng Và Hướng Dẫn Phối Huyệt
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênTrong Y học cổ truyền, huyệt Thiên Đột được biết đến với công dụng điều trị các bệnh lý liên quan đến hô hấp, đặc biệt là hen phế quản, đau họng, viêm họng. Tuy vậy, không phải ai cũng nắm rõ vị trí huyệt đạo, cách tác động khai thông và phối hợp cùng một số huyệt đạo khác. Trong bài viết dưới đây, Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết.
Huyệt Thiên Đột là gì? Tìm hiểu tên gọi, đặc điểm
Tên huyệt Thiên Đột được ghép từ “Thiên” nghĩa là vùng bên trên, “Đột” là ống khói, hàm ý là huyệt đạo có tác dụng thông phế khí, giúp quá trình lưu thông khí từ phổi ra ngoài tốt hơn (theo Trung Y Cương Mục). Ngoài ra huyệt đạo này còn được gọi với nhiều tên khác như huyệt Ngọc Hộ, huyệt Thiên Cù.
Có xuất xứ từ Thiên Bản Du, huyệt Thiên Đột sở hữu một số đặc điểm như sau:
- Là huyệt đạo thứ 22 của mạch Nhâm.
- Là huyệt hội của mạch Nhâm và mạch Âm Duy.
- Nằm trong nhóm 4 huyệt Hội của Khí Âm và Dương, bao gồm Trung Quản (Nh 12), Thiên Đột (Nh 22), Quan Nguyên (Nh 4) và Chí Dương (Đc 10).
Cách xác định huyệt Thiên Đột chuẩn nhất
Vị trí huyệt Thiên Đột ở đâu là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay. Theo tài liệu Y học cổ truyền, huyệt Thiên Đột có vị trí nằm ngay tại phần lõm trên của xương ngực, sát với vùng xương ức và ngay xương đòn ở cả 2 bên.
Về giải phẫu, huyệt nằm ở trước khí quản và thực quản, ở khu vực trong góc tạo nên bởi bờ trong của 2 cơ ức – đòn – móng, bờ trong của cơ ức – đòn – chũm và bờ trong của cơ ức – giáp trạng.
Hướng dẫn khai thông huyệt đạo chữa bệnh an toàn
Mỗi huyệt đạo có những phương pháp khai thông riêng để phát huy tối đa công dụng trong điều trị bệnh. Với huyệt Thiên Đột, các thầy thuốc thường áp dụng 2 phương pháp là bấm huyệt và châm cứu. Đây là 2 phương pháp cơ bản, được lưu truyền từ xa xưa nhưng cho đến nay vẫn mang đến hiệu quả rất cao trong y học.
Bấm huyệt
Khai thông huyệt đạo bằng phương pháp day bấm huyệt rất đơn giản, người bệnh có thể tự thực hiện phương pháp này tại nhà. Tuy nhiên cần đảm bảo xác định chính xác vị trí huyệt Thiên Đột cũng như chủ động điều chỉnh lực đạo phù hợp nhất để không gây tổn thương.
Cách thực hiện:
- Sử dụng đầu ngón tay cái day bấm vào vị trí huyệt đạo theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 30s – 1 phút. Sau đó nghỉ 5 – 10s lại tiếp tục hiệp day ấn thứ 2.
- Thời gian dành cho quá trình bấm huyệt khoảng 30 phút, mỗi ngày 2 lần đều đặn. Trung bình, sau khoảng 20 ngày người bệnh sẽ thấy hiệu quả cải thiện sức khỏe rõ rệt.
Chú ý rằng, tùy từng bệnh khác nhau, có thể kết hợp day bấm thêm một số huyệt đạo khác xung quanh để tăng hiệu quả điều trị.
Xem thêm: Huyệt Kiên Trung Du: Cách Xác Định Vị Trí, Bấm Huyệt Chữa Bệnh
Châm cứu
Khác với phương pháp bấm huyệt, phương pháp châm cứu sẽ sử dụng kim châm trực tiếp xuống dưới da huyệt đạo. Vậy nên phương pháp này được đánh giá cao hiệu quả điều trị nhanh hơn, nhưng đồng nghĩa với việc người thực hiện cần có kỹ thuật cao, kiến thức rộng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.
Cách thực hiện: Dùng kim châm qua da với độ sâu từ 0.2 – 0.5 thốn, sau đó hướng mũi kim theo mặt sau của xương ức. Thời gian châm từ 10 đến 15 phút, có thể cứu từ 3 – 7 lửa và ôn cứu 5 – 15 phút.
Chú ý:
- Không nên châm kim quá sâu tại mặt sau của xương ức để tránh phạm vào động mạch chủ hoặc động mạch vô danh. Đồng thời, khi châm thẳng vào huyệt cũng không được châm quá sâu vì dễ phạm vào khí quản gây ho.
- Chỉ sử dụng các loại kim châm đã được khử trùng sạch sẽ để đảm bảo an toàn sức khỏe, không mắc các bệnh lây nhiễm chéo nguy hiểm cho sức khỏe.
Khám phá tác dụng huyệt Thiên Đột trong điều trị bệnh
Tài liệu Y học ghi chép, huyệt Thiên Đột có tác dụng hóa đờm, lợi yết hầu, tuyên phế, khai âm thanh và điều khí cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó, huyệt đạo chuyên chủ trị các bệnh như đau họng, hen suyễn, ợ, nấc, mất tiếng đột ngột,…
Cụ thể, dưới đây Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ hướng dẫn chi tiết cách châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh hiệu quả, an toàn nhất.
Chữa đau họng, ho hen do viêm phế quản
Viêm phế quản gây nên tình trạng đau họng, ho hen, ngứa rát cổ,… Với tác dụng hóa đờm, điều khí, tuyên phế, kiên trì tác động lên huyệt Thiên Đột sẽ giúp xoa dịu các triệu chứng hiệu quả. Để thúc đẩy thời gian chữa khỏi bệnh, cần kết hợp huyệt đạo Thiên Đột cùng các huyệt đạo: Đản Trung, Phế Du, Tam Túc Lý, Đại Chùy, Toàn Cơ, Phong Long, Phong Môn.
Cách bấm huyệt chữa viêm phế quản: Dùng ngón tay cái day bấm lên các huyệt đạo trên, mỗi huyệt bấm trong 30 giây. Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần, sau khoảng 5 – 7 ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Điều trị nấc cụt
Nấc cụt là tình trạng xuất hiện những cơn co thắt đột ngột tại cơ hoành, lặp đi lặp lại khiến dây thanh âm đóng lại nhanh tạo ra tiếng. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, nhanh quá nhanh, bệnh lý,… Việc tác động bấm huyệt Thiên Đột cùng một số huyệt đạo khác giúp thuyên giảm triệu chứng này.
Cách thực hiện:
- Để người bệnh nằm trong tư thế ngửa thoải mái trên giường.
- Dùng tay xoa miết vùng cổ, ngực và bụng theo chiều kim đồng hồ.
- Thực hiện day ấn lần lượt các huyệt đạo: Thiên Đột, Khí Xá, Cự Khuyết.
- Sau đó nằm sấp, thực hiện xoa lưng và day ấn huyệt Cách Du.
Châm cứu chữa bướu cổ
Bướu cổ do nhiều nguyên nhân như thiếu iot, sử dụng thuốc Tây y,… khiến tuyến giáp mở rộng hơn so với bình thường. Bệnh lý này không được điều trị kịp thời có thể gia tăng tỷ lệ ung thư, xâm lấn đến các cơ quan xung quanh như phổi, gan, xương, não, thanh quản,….
Phương pháp hiệu quả giúp điều trị bệnh lý này là châm cứu huyệt đạo Thiên Đột kết hợp cùng huyệt Hợp Cốc, huyệt Quan Nguyên, huyệt Thiên Đỉnh và huyệt Chiếu Hải.
Cách thực hiện: Xác định chính xác vị trí huyệt đạo, sau đó dùng kim châm lên các huyệt đạo, lưu kim 30 phút, mỗi ngày thực hiện 1 lần. Sau khoảng 20 ngày áp dụng phương pháp châm cứu sẽ thấy bệnh tình giảm dần.
Hướng dẫn phối huyệt Thiên Đột cùng các huyệt đạo khác hiệu quả
Tương tự như các huyệt đạo khác, huyệt Thiên Đột không chỉ có tác dụng đơn huyệt mà còn có tác dụng đa huyệt. Sự phối hợp này đều phải tuân thủ theo nguyên tắc riêng để đảm bảo phát huy tối đa công dụng của các huyệt đạo.
Nguyên tắc phối huyệt đạo
Dưới đây là nguyên tắc phối huyệt cơ bản, không chỉ được áp dụng trong huyệt Thiên Đột mà còn được áp dụng trong hầu hết các huyệt đạo khác trên cơ thể.
- Phối hợp cùng hệ, khắc hệ: Một trong những nguyên tắc khi phối huyệt Thiên Đột cùng các huyệt đạo khác là phối hợp cùng hệ hoặc phối khắc hệ. Điều này sẽ giúp gia tăng hoặc làm giảm tác dụng của huyệt chính, nhằm cân bằng năng lượng trong quá trình khai thông khí huyết.
- Phối hợp cùng căn: Đây là nguyên tắc phối hợp các huyệt đạo cùng có tác dụng điều trị 1 căn bệnh. Nhờ đó phát huy tốt đa hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu các dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh.
- Đối chứng: Với nguyên tắc này, thầy thuốc sẽ phối hợp huyệt Thiên Đột cùng các huyệt đạo ở vị trí đối xứng trên cơ thể nhằm tăng cường hiệu quả điều trị bệnh, giúp sức khỏe nhanh chóng được cải thiện.
- Trợ lực: Nguyên tắc này sẽ kết hợp các phương pháp châm cứu, xoa bóp hoặc một số phương pháp tác động huyệt đạo khác để giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giúp khí huyết được thúc đẩy điều hòa tốt hơn, nhờ đó triệu chứng bệnh được thuyên giảm nhanh chóng.
Cách phối hợp huyệt Thiên Đột cùng các huyệt đạo khác
Cụ thể, các cách phối huyệt được ghi chép chi tiết trong các cuốn tài liệu Y học cổ truyền như sau:
- Phối cùng huyệt Chiên Trung (Nh17) + Giải Khê (Vi41) + Kiên Trung Du (Ttr.15) + Thiên Trì (Tb.1) để điều trị bệnh ho suyễn (Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Phù Đột (Đtr.18) điều trị suyễn, hơi thở khò khè (Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Hoa Cái (Nh20) điều trị tình trạng ho suyễn (Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Thiên Dung (Ttr.17) điều trị cổ gáy bị lở (Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Quan Xung (Ttu 1) điều trị khí bị ngăn nghẹn (Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Du Phủ (Th.27) + Đản Trung (Nh17) + Liệt Khuyết (P.7) + Phù Đột (Đtr.18) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khuyết Bồn (Vi 12)+ Thập Tuyên (ra máu) + Thiên Song (Ttr.16) điều trị ngũ anh (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Chiên Trung (Nh17) điều trị chứng ho suyễn (Ngọc Long Kinh).
- Phối cùng huyệt Phế Du (Bq13) điều trị tình trạng ho liên tục (Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + Dũng Tuyền (Th.1) + Phong Long (Vi 40) điều trị cổ họng đau (Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt m Cốc (Th10) +Linh Đạo (Tm.4) + Nhiên Cốc (Th.2) + Phong Long (Vi40) + Phục Lưu (Th.7) điều trị câm (Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối cùng huyệt Cự Khuyết (Nh14) + Trung Quản (Nh12) + Đản Trung (Nh17) + Hạ Quản (Nh10) + Tâm Du (Bq 15) + Trung Khôi + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tỳ Du (Bq 20) + Thượng Quản (Nh13) + Vị Du (Bq19) điều trị ngũ ế, ngũ cách (Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt Phế Du (Bq13) điều trị ho và tả Phế khí (Đan Khê Tâm Pháp).
- Phối cùng huyệt Gian Sử (Tb.5) + Kỳ Môn (C14) điều trị chứng khan tiếng (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Đản Trung (Nh17) + Hoa Cái (Nh 20) + Khí Hải (Nh6) + Kỳ Môn (C14) + Nhũ Căn (Vi 18) + Toàn Cơ (Nh21) điều trị hen suyễn (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Liệt Khuyết (P.7) + Nhũ Căn (Vi 18) + Trung Quản (Nh12) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị hen hàn (Trung Hoa Châm Cứu Học).
- Phối cùng huyệt Chiên Trung (Nh17) + Xích Trạch (P.5) điều trị ho, suyễn (Châm Cứu Học Giản Biên).
- Phối cùng huyệt Cách Du (Bq 17) + Nội Quan (Tb.6) điều trị cơ hoành co thắt (nấc) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Nội Quan (Tb.6) + Trung Quản (Nh12) điều trị cơ hoành co thắt (tình trạng nấc) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Chiếu Hải (Th.6) + Liệt Khuyết (P.7) điều điều trị tình trạng họng có vật vướng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Đản Trung (Nh17) + Thiên Trì (Tb.1) điều trị khí quản bị viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Dịch Môn (Ttu 2) + Dũng Tuyền (Th.1) + Nhiên Cốc (Th.2) điều trị họng sưng đau có mủ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Chí Dương (Đc 10) điều trị suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Đản Trung (Nh17) + Định Suyễn + Phong Long (Vi 40) điều trị suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Đản Trung (Nh17) + Du Phủ (Th.27) + huyệt Trung Phủ (P.1) điều trị tình trạng hen tim (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Định Suyễn + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) điều trị khí quản bị viêm mạn tính (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Lưu ý quan trọng khi tác động huyệt Thiên Đột trị bệnh
Là huyệt đạo có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả, nhưng nếu tác động sai cách sẽ dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Vậy nên, trong quá trình khai thông huyệt đạo, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Kiên trì thực hiện: Các phương pháp tác động lên huyệt đạo chữa bệnh sẽ có tác dụng chậm hơn so với các phương pháp điều trị bằng Tân dược, vậy nên người bệnh cần kiên trì thực hiện, đảm bảo không bỏ dở liệu trình.
- Không tự ý châm cứu tại nhà: Đối với phương pháp bấm huyệt, người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà sau khi đã biết cách xác định vị trí huyệt đạo và chủ động điều chỉnh lực day bấm. Ngược lại, đối với phương pháp châm cứu, người bệnh tuyệt đối không tự ý thực hiện tại nhà bởi châm cứu sai cách sẽ gây ra những hệ lụy nguy hiểm.
- Không tác động lên vùng da đang tổn thương: Trong trường hợp vùng da huyệt đạo đang bị sưng viêm, có vết thương hở, chảy máu, tuyệt đối không thực hiện châm cứu bấm huyệt vì sẽ khiến tình trạng nặng hơn. Chỉ tiến hành thực hiện tác động khai thông huyệt đạo khi vùng da đã hoàn toàn lành lại.
- Lưu ý trước và sau khi châm cứu, bấm huyệt: Người bệnh cần chú ý, trước và sau khi bấm huyệt, châm cứu, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,… Đồng thời, không bê vác nặng hoặc thực hiện các động tác cần nhiều sức lực. Tốt nhất nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất.
- Theo dõi các phản ứng sau khi châm cứu, bấm huyệt: Trong suốt quá trình châm cứu, bấm huyệt, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng,…. cần báo cho thầy thuốc và dừng điều trị để theo dõi. Ngoài ra, sau khi đã kết thúc buổi châm cứu bấm huyệt, người bệnh nên ngồi lại 30 phút để theo dõi các phản ứng sau điều trị.
- Kết hợp các phương pháp điều trị khác: Thực chất, châm cứu và bấm huyệt chỉ có tác dụng giảm triệu chứng. Vậy nên, để điều trị tận gốc căn bệnh sẽ cần kết hợp cùng một số phương pháp điều trị khác như Tây y, Đông y và điều chỉnh chế độ sinh hoạt sao cho khoa học, hợp lý nhất.
- Chống chỉ định: Các phương pháp khai thông huyệt đạo không phù hợp cho các đối tượng như trẻ con, phụ nữ có thai, người già hoặc những người đang có bệnh lý suy giảm chức năng gan thận, rối loạn đông máu hoặc huyết áp cao.
Bài viết chia sẻ chi tiết về huyệt Thiên Đột nằm ở đâu, các tác dụng cũng như hướng dẫn phương pháp khai thông huyệt đạo chữa bệnh. Đây là một trong những huyệt đạo vô cùng quan trọng của cơ thể, vậy nên, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và các lưu ý để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!