Cách Chữa Viêm Xoang Bằng Lá Trầu Không An Toàn, Dễ Làm
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Chữa viêm xoang bằng lá trầu không là mẹo dân gian được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn. Nhờ vào dược tính và công năng đa dạng của lá trầu không có thể cải thiện tình trạng sưng viêm, phù nề, dẫn lưu dịch tiết và ức chế một số tác nhân gây viêm xoang. Mẹo chữa này phù hợp với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, chưa xuất hiện biến chứng.
Chữa viêm xoang bằng lá trầu không có hiệu quả không?
Viêm xoang là một trong những bệnh hô hấp trên phổ biến, xảy ra các mô xoang bị phù nề, viêm do kích ứng, dị ứng, nhiễm vi khuẩn, nấm, virus,… Các triệu chứng bệnh lý có xu hướng bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Viêm xoang thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tổng thể. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh (nghẹt mũi, đau đầu, nhức mũi, mặt mặt,…) có thể tiến triển dai dẳng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tương tự như một số bệnh liên quan đến cơ địa khác, bệnh viêm xoang rất khó điều trị dứt điểm. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là sử dụng thuốc Tây để đẩy lùi các triệu chứng lâm sàng, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa thì nhiều người bệnh còn tìm đến các thảo dược tự nhiên để hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng khó chịu, đồng thời hạn chế lạm dụng thuốc Tây.
Với nguồn gốc tự nhiên, có độ lành tính, an toàn cao, các mẹo chữa viêm xoang bằng lá trầu không được nhiều người lựa chọn và áp dụng. Thực tế cho thấy, lá trầu không được dùng trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh lý thường gặp và có thể áp dụng cho nhiều đối tượng.
Theo tài liệu Y học cổ truyền, lá trầu không có tính ấm, vị cay nồng, mùi thơm hắc, quy vào kinh Phế, Vị, Tỳ, công dụng hạ khí, trừ phong thấp, tiêu đờm, sát trùng, tiêu viêm,… Do đó, nhân dân thường tận dụng thảo dược này trong điều trị một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, ho có đờm, viêm phế quản,…
Trong khi đó, một số nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chỉ ra, tinh dầu lá trầu không chứa các thành phần như chavicol, chavibetol, Eugenol, Estragol,… có hoạt tính kháng sinh mạnh, tác dụng ức chế các vi khuẩn (phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, liên cầu khuẩn, trực khuẩn ly,…), kháng nấm và một số tác nhân gây viêm nhiễm khác. Việc tận dụng lá trầu không trong chữa viêm xoang có thể làm giảm triệu chứng sưng viêm, phù nề, đồng thời ức chế các tác nhân gây viêm nhiễm ở các mô xoang hiệu quả.
Có thể nhận thấy, các mẹo chữa từ lá trầu không có thể làm giảm các triệu chứng bệnh viêm xoang, đồng thời giúp phục hồi các mô xoang bị tổn thương, sưng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng ở mức độ nhẹ. Trường hợp các triệu chứng bệnh bùng phát mạnh, có mức độ nặng, người bệnh cần tiến hành thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
5 Mẹo chữa viêm xoang bằng lá trầu không dễ thực hiện
Trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc chữa viêm xoang bằng lá trầu không. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tác dụng có trong thảo dược, người bệnh nên cân nhắc lựa chọn mẹo chữa phù hợp với mức độ bệnh lý và tình trạng sức khoẻ.
Dưới đây là một số cách chữa viêm xoang bằng lá trầu không được áp dụng phổ biến:
1. Bài thuốc xông hơi từ lá trầu không chữa viêm xoang
Xông hơi từ lá trầu không là một trong những mẹo chữa viêm xoang đơn giản và mang lại hiệu quả cao. Cách chữa này tận dụng hơi nước cùng các hoạt chất có trong thảo dược vào các mô xoang. Nhờ đó làm dịu các mô xoang bị sưng viêm, phù nề, cải thiện tình trạng nghẹt mũi, tăng dẫn lưu dịch tiết, nhức đầu, chảy nước mũi khó chịu.
Bên cạnh đó, một số hoạt chất kháng sinh có trong lá trầu không còn giúp ức chế các tác nhân gây viêm nhiễm ở các khoang xoang như vi khuẩn, virus, nấm men,… Mẹo chữa này không chỉ hỗ trợ điều trị viêm xoang mà còn phù hợp với người mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm amidan,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 10 gam lá trầu không tươi, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Đun sôi khoảng 500ml nước lọc, vò nhẹ lá trầu không để tiết ra tinh dầu rồi cho vào nồi
- Sử dụng khăn sạch trùm kín đầu và xông mũi từ 10 – 15 phút
- Trong quá trình xông, bạn nên xì mũi để giúp loại bỏ các dịch tiết ứ đọng trong niêm mạc hô hấp, đẩy lùi các triệu chứng viêm xoang
- Xông mũi từ 2 – 3 lần/ tuần để cải thiện bệnh lý tốt nhất
Sau khi xông mũi, bạn nên rửa mũi lại với nước sinh lý để làm dịu niêm mạc hô hấp, đồng thời loại bỏ những tác nhân gây dị ứng, kích ứng như mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật,…
2. Nước lá trầu không nhỏ mũi cải thiện triệu chứng bệnh lý
Một số hoạt chất có trong lá trầu không hoạt động như “kháng sinh tự nhiên”. Thực tế nhận thấy, những thành phần này có khả năng kháng khuẩn mạnh, có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực trùng coli, vi khuẩn subtillis,… Việc tận dụng thảo dược này có thể giúp ức chế vi khuẩn, nấm, virus gây viêm xoang, đẩy lùi tình trạng sưng viêm, phù nề ở các mô xoang hiệu quả.
Dùng nước lá trầu không nhỏ mũi không chỉ có tác dụng chữa viêm xoang mà còn mang lại hiệu quả trong chữa viêm mũi dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, lá trầu không có thể nóng rát nhẹ ở niêm mạc nên cần áp dụng đúng cách để đạt được kết quả tốt nhất, hạn chế phát sinh rủi ro.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 ít lá trầu không, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì cho vào cối giã nát và vắt lấy nước cốt
- Cho một ít nước cốt lá trầu không vào nước muối sinh lý ở dạng nhỏ mũi
- Dùng dung dịch này nhỏ mũi từ 1 – 2 lần ngày để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu, khó chịu do viêm xoang gây ra.
3. Kết hợp lá trầu không và gừng tươi chữa viêm xoang
Để tăng hiệu quả chữa trị, người bị viêm xoang có thể kết hợp lá trầu không và gừng tươi. Cả hai thảo dược này đều chứa hoạt chất Cineol có tác dụng giảm đau nhức, làm dịu niêm mạc vùng niêm mạc xoang bị tổn thương, sưng viêm và tiêu từ vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, hoạt chất Gingerol trong củ gừng còn có đặc tính giảm đau, chống viêm hiệu quả.
Áp dụng mẹo chữa viêm xoang từ lá trầu không và gừng tươi đúng cách còn giúp làm loãng dịch nhầy, thúc đẩy hoạt động dẫn lưu diễn ra hiệu quả. Từ đó giúp các khoang xoang được thông thoáng hơn, đẩy lùi triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, nặng mặt do bệnh lý gây ra. Cách chữa này còn mang lại hiệu quả với những trường hợp bị viêm mũi dị ứng, cảm lạnh,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị vài lá trầu không tươi và 1 củ gừng tươi
- Lá trầu không ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng rồi để ráo. Gừng cạo vỏ, rửa sạch
- Cho các dược liệu vào cối giã nát rồi đắp lên vùng trán, 2 bên cánh mũi và để trong vòng 20 phút
- Sau đó rửa lại bằng nước ấm và tiến hành xì mũi để loại bỏ dịch nhầy
- Áp dụng đều đặn 2 lần/ ngày để cảm nhận các triệu chứng bệnh viêm xoang thuyên giảm.
4. Chữa viêm xoang bằng lá trầu không và bồ kết
Theo tài liệu y học cổ truyền, quả bồ kết có tính ôn, vị cay, mặn, hơi độc, công dụng thông khiếu, sát khuẩn, hắt hơi, tiêu thũng, khử đờm,… Do đó, nhân dân thường tận dụng dược liệu này trong điều trị viêm xoang và một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khoa học cũng nhận thấy, trong trái bồ kết có chứa hoạt chất saponin có tác dụng tiêu đờm, làm loãng dịch nhầy hiệu quả.
Việc kết hợp lá trầu không và bồ kết có thể giúp cải thiện tình trạng sưng viêm, phù nề ở các mô xoang, giúp thông thoáng đường thở, hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết giúp mũi thông thoáng hơn. Nhờ đó khắc phục một số triệu chứng lâm sàng như đau đầu, nghẹt mũi, nhức mũi, cảm giác nặng ở mặt,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 20 lá trầu không còn tươi và 10 trái bồ kết đã nướng
- Lá trầu không sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo
- Cho bồ kết vào nồi cùng 2 lít nước đun sôi khoảng 20 phút. Sau đó cho lá trầu không vào đun khoảng 10 phút nữa thì tắt bếp
- Dùng khăn sạch trùm kín và tiến hành xông mũi khoảng 15 phút
- Sau khi xông, bạn nên xì mũi để loại bỏ dịch tiết trong xoang khoang và vệ sinh lại với nước muối sinh lý
- Áp dụng từ 2 – 3 lần/ tuần để làm giảm các triệu chứng bệnh lý.
5. Kết hợp lá trầu không, hoa ngũ sắc và rượu chữa viêm xoang
Bài thuốc chữa viêm xoang từ lá trầu không kết hợp với hoa ngũ sắc và rượu trắng được nhiều người bệnh áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Cùng với dược tính và công năng có trong hoa ngũ sắc và rượu trắng có thể làm tăng hiệu quả chữa trị, đẩy lùi các triệu chứng lâm sàng do bệnh viêm xoang gây ra.
Tuy nhiên, mẹo chữa viêm xoang bằng lá trầu không, hoa ngũ sắc và rượu tỏi chỉ được lưu truyền trong dân gian, chưa được công nhận trên phương diện khoa học. Để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả chữa trị, người bệnh cần cân nhắc trước khi thực hiện.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 10 gam lá trầu không, 100ml rượu trắng và 1 lọ thuốc chiết xuất từ hoa ngũ sắc (có thể tìm mua ở các hiệu thuốc)
- Lá trầu không sau khi ngâm rửa sạch với nước nước muối pha loãng thì để ráo
- Cho lá trầu không ngâm với rượu trắng khoảng 15 phút
- Ngậm 1 ít rượu ngâm lá trầu không và kết hợp dùng thuốc chiết xuất từ hoa ngũ sắc nhỏ 2 bên mũi
- Sau khoảng 5 phút thì nhỏ bỏ rượu lá trầu không và xì mũi. Sau đó rửa sạch lại với nước muối sinh lý
Một số lưu ý khi chữa viêm xoang bằng lá trầu không
Lá trầu không là thảo dược có lành tính, có độ an toàn cao và có thể áp dụng cho nhiều đối tượng. Áp dụng các mẹo chữa viêm xoang từ thảo dược này có thể cải thiện các triệu chứng do bệnh lý gây ra, đồng thời ức chế một số tác nhân gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách có thể gây kích ứng và gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Do đó, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau khi chữa viêm xoang bằng lá trầu không:
- Các mẹo chữa viêm xoang bằng lá trầu không chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng lâm sàng, không thể thay thế các phương pháp y tế theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Khi dùng lá trầu không chữa viêm xoang, cần ngâm rửa dược liệu với nước pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, hoá chất. Sử dụng dược liệu chưa được làm sạch có thể khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn.
- Phần lớn các cách chữa viêm xoang từ các thảo dược tự nhiên chỉ được áp dụng trong phạm vi dân gian. Để đảm bảo an toàn cũng như đạt được kết quả chữa trị tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
- Một số hoạt chất có trong lá trầu không có thể gây nóng rát nhẹ. Tuy nhiên, cảm giác này có thể biến mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu cảm giác nóng rát, đau nhức kéo dài, bạn cần ngưng áp dụng và thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý đúng cách.
- Bên cạnh áp dụng các mẹo chữa từ lá trầu không, người bệnh cần tránh xa các dị nguyên gây dị ứng, kích ứng (hoá chất, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật,…)
- Ngoài ra, người bị viêm xoang cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, chú ý giữ cơ thể và sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết để kiểm soát bệnh lý nhanh chóng.
Bài viết đã tổng hợp các cách chữa viêm xoang bằng lá trầu không và một số lưu ý trong quá trình áp dụng. Để đạt được kết quả chữa trị tốt nhất, bạn cần kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Xem Thêm:
- Cách Chữa Viêm Xoang Bằng Cây Lược Vàng Hiệu Quả, Ít Người Biết
- 3 Cách Chữa Viêm Xoang Bằng Cây Cỏ Hôi Hiệu Quả, An Toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!