Triệu Chứng Viêm Phế Quản Ở Trẻ Sơ Sinh Và Cách Nhận Biết
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh đặc trưng bởi triệu chứng ho, sốt cao, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhịp thở nhanh, cơ thể mệt mỏi,… Bệnh lý nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể thuyên giảm sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng nề và gây suy hô hấp, co giật, giãn phế quản,…
Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Viêm phế quản là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến bên cạnh viêm họng, cảm lạnh, viêm amidan, cảm cúm. Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và thời gian tiến triển, bệnh lý được chia thành 2 giai đoạn cấp và mãn tính. Tuy nhiên, đa số trẻ sơ sinh mắc phải bệnh viêm phế quản cấp tính.
Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh đề cập đến tình trạng phế quản – ống dẫn khí bị phù nề và sưng viêm do nhiễm vi khuẩn, virus. Trong đó, chỉ một số ít trường hợp khởi phát do vi khuẩn, hầu hết các trường hợp viêm phế quản xảy ra do virus. Bệnh lý nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bội nhiễm và phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng, nhất là trường hợp viêm phế quản phổi .
Trẻ sơ sinh là đối tượng có cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỈnh, hệ miễn dịch kém nên thường có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn so với người trưởng thành. Thực tế cho thấy, các triệu chứng bệnh lý khởi phát chủ yếu vào mùa đông – xuân và có thể bùng phát thành dịch khi gặp điều kiện thuận lợi.
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh thường có xu hướng bùng phát đột ngột và rất dễ nhận biết. Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm phế quản có thể thuyên giản sau 2 – 3 tuần nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể chuyển biến nặng và gây ra các biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng.
Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết viêm phế quản ở trẻ sơ sinh:
- Lúc đầu, bé có thể bị ho khan, sau chuyển thành ho có đờm, ho húng hắng và triệu chứng có thể trở nên nặng nề
- Trẻ sơ sinh có xu hướng ho nhiều về đêm và khi tiếp xúc với phấn hoa, không khí lạnh, lông vật nuôi
- Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể gây sốt cao trên 38 độ C
- Trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Thở khò khè, thở nhanh
- Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, bú kém và hay giật mình vào ban đêm
- Một số trường hợp trẻ sơ sinh gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, suy hô hấp, tím tái, co giật, tay chân lạnh. Các trường hợp này cần được cấp cứu và xử lý kịp thời, tránh phát sinh các biến chứng và di chứng nặng nề.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Tương tự như người trưởng thành, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh cũng khởi phát do nhiễm vi khuẩn và virus, trong đó trường hợp nhiễm virus chiếm hơn 90%. Một số chủng virus gây bệnh viêm phế quản ở trẻ thường gặp như metapneumovirus, corona virus, adenovirus, RSV, virus cúm A và B. Bên cạnh đó, một số trường hợp cũng có thể khởi phát do nhiễm vi khuẩn, phổ biến nhất là vi khuẩn gây ho gà (Bordetella pertussis).
Mặc dù vi khuẩn và virus là tác nhân chính gây viêm phế quản nhưng trẻ sơ sinh thường chỉ mắc bệnh khi bị tác động bởi một số yếu tố thuận lợi sau:
- Hệ miễn dịch kém: Số liệu thống kê cho thấy bệnh viêm phế quản ảnh hưởng nhiều ở trẻ sơ sinh từ 6 – 36 tháng tuổi. Trong độ tuổi này trẻ có hệ miễn dịch kém và chức năng hoạt động của phổi chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó, nguy cơ nhiễm vi khuẩn và virus thường cao hơn so với trẻ lớn. Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch kém nên các triệu chứng bệnh lý thường diễn tiến nhanh chóng và phát sinh các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
- Thời tiết và môi trường sống: Các biểu hiện viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể bùng phát nếu sống trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, bụi bẩn, lông động vật, phấn hoá,… Ngoài ra, trong thời điểm chuyển mùa đông – xuân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh do virus phát triển mạnh trong không khí.
- Tiếp xúc với người bệnh: Vi khuẩn, virus gây viêm phế quản tồn tại trong dịch tiết hô hấp, nước bọt. Do đó, trẻ sơ sinh có thể mắc chứng bệnh này nếu tiếp xúc với người người bệnh.
- Một số yếu tố khác: Ngoài những tác nhân trên, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh cũng có thể tăng cao nếu gia đình có tiền sử bị hen suyễn, người thân hút thuốc lá, cơ địa dị ứng, trẻ sinh non, từng bị viêm thanh quản, sởi, cảm cúm,…
Trẻ sơ sinh bị viêm phế quản có nguy hiểm không?
Viêm phế quản là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi. Các triệu chứng bệnh lý khởi phát chủ yếu do virus và vi khuẩn. Vì vậy, hầu hết các trường hợp mắc bệnh có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, với những trẻ dưới 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém nên bệnh thường diễn tiến nhanh và dẫn đến sốt cao, co giật, suy hô hấp (đổ mồ hôi, lạnh tay chân, khó thở).
Các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như giãn phế quản, suy hô hấp, viêm phế quản phổi, áp xe phổi, thậm chí là gây tử vong. Do đó, ba mẹ không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường của trẻ. Thay vào đó, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Các phương pháp điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Trường hợp viêm phế quản ở trẻ sơ sinh thường được chẩn đoán quá các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm nhằm xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ triệu chứng bệnh lý. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và hướng dẫn chăm sóc phù hợp với độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ.
1. Áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà
Thực tế cho thấy, các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh khởi phát chủ yếu do virus. Do đó, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định thuốc hạ sốt để tránh tình trạng co giật ở trẻ do sốt cao. Những biểu hiện còn lại có thể cải thiện thông qua một số biện pháp hỗ trợ tại nhà.
Một số biện pháp giúp cải thiện các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ, bao gồm:
- Sử dụng nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý có công dụng làm loãng dịch đờm, giảm khô rát, ngứa ngáy ở niêm mạc mũi, họng. Vì vậy, ba mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ đều đặn mỗi ngày.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Thực tế cho thấy, máy tạo độ ẩm làm tăng độ ẩm trong không khí, giúp làm dịu niêm mạc mũi ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên vệ sinh sạch sẽ không gian sống để loại bỏ các dị nguyên, nấm mốc tồn tại trong không khí.
- Chườm mát cải thiện bệnh lý: Đây được xem là một trong những biện pháp giúp hạ sốt hiệu quả cho trẻ sơ sinh bị viêm phế quản. Theo đó, bạn có thể chườm mát cho trẻ ở vùng nách, cổ và bẹn giúp hạ sốt. Bên cạnh đó, nên mặc quần áo thông thoáng và cho trẻ uống nước. Với những trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ để cung cấp chất lỏng cũng như dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Một số mẹo chữa từ nguyên liệu tự nhiên: Để cải thiện bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa áp dụng một số mẹo chữa tự nhiên giúp tiêu đờm, giảm ho và tình trạng thở khò khè.
2. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Các loại thuốc Tây không được khuyến khích sử dụng cho trẻ sơ sinh trong điều trị bệnh vì có thể gây ra các tác dụng phụ và rủi ro trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm phế quản, bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc chỉ định một số loại thuốc giúp điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị viêm phế quản:
- Thuốc hạ sốt: Để cải thiện tình trạng sốt cao ở trẻ do viêm phế quản gây ra, bác sĩ có thể chỉ định Paracetamol dạng siro và bột sủi. Trường hợp trẻ sơ sinh bị nôn mửa liên tục không thể dùng thuốc dạng uống, bác sĩ có thể thay thế dạng đặt.
- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh được bác sĩ cân nhắc sử dụng với những trường hợp trẻ bị viêm phế quản do vi khuẩn và xuất hiện dấu hiệu bội nhiễm. Tuỳ thuộc vào độ tuổi cũng như tình trạng cụ thể, có thể chỉ định kháng sinh dạng siro uống hoặc dạng tiêm.
- Siro trị ho từ thảo dược: Với những trường hợp trẻ bị viêm phế quản, việc sử dụng thuốc long đờm, thuốc trị ho, thuốc kháng histamin H1 có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, bác sĩ thường sử dụng một số loại siro trị ho từ các loại thảo dược tự nhiên để cải thiện triệu chứng, đảm bảo an toàn.
Như đã đề cập, việc sử dụng thuốc Tây có thể phát sinh một số tác dụng phụ và tiềm ẩn rủi ro đối với trẻ sơ sinh. Do đó, ba mẹ tránh tự ý sử dụng thuốc điều trị cho trẻ, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như tần suất dùng thuốc để đảm bảo an toàn cũng như kết quả điều trị tốt nhất.
3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phế quản
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị, phụ huynh cũng nên chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp cải thiện các triệu chứng bệnh lý nhanh chóng, đồng thời nâng đỡ thể trạng trong quá trình điều trị. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng, từ đó đẩy lùi các triệu chứng ho dai dẳng, ứ đờm, sốt cao,…
Hướng dẫn chăm sóc bé bị viêm phế quản:
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ với nước muối sinh lý để hạn chế tình trạng kích ứng niêm mạc hô hấp.
- Cho trẻ bú mẹ và nghỉ ngơi điều độ nhằm phục hồi thể trạng, đồng thời tăng cường sức đề kháng.
- Không để trẻ tiếp xúc với những trẻ khác, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Nên cho trẻ nghỉ ngơi và sinh hoạt trong nhà trong thời gian điều trị để tránh tiếp xúc với những mầm bệnh khác.
- Không để trẻ tiếp xúc với phấn hoa, khói thuốc lá, mạt bụi, các chất gây dị ứng
- Cho trẻ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tái khám theo đúng lịch hẹn.
- Nên sử dụng thiết bị lọc không khí giúp loại bỏ những dị nguyên gây hại trong không khí, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị bệnh lý diễn ra thuận lợi.
Cách phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Viêm phế quản là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh rất dễ tái phát và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản đóng vai trò quan trọng.
Do đó, ba mẹ cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cho trẻ như sau:
- Cho trẻ tiêm các loại vắc xin cần thiết như vắc xin ngừa viêm phổi, ho gà, vắc xin sởi, cúm,… Tiêm ngừa các bệnh lý này giúp hạn chế được nguy cơ bị viêm phế quản đáng kể.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng và nên sử dụng máy lọc không khí giúp đảm bảo không gian sống của trẻ trong lành. Số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp tăng lên đáng kể. Vì vậy, việc dùng máy lọc không khí khi gia đình có trẻ nhỏ cần được cân nhắc.
- Trẻ sơ sinh có sức đề kháng và hệ miễn dịch kém. Do đó, cần đảm bảo cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời để bảo vệ trẻ trước những tác nhân có hại từ môi trường.
- Chú ý giữ ấm cơ thể trẻ và tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa đông – xuân.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với những người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Bên cạnh đó, khi trẻ phát bệnh, nên cho trẻ ở nhà nghỉ nên và tránh tiếp xúc với những trẻ khỏe mạnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường như thở khò khè, khó thở, ho, sốt. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Các triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!