Viêm Tai Giữa Ứ Dịch Là Gì? Điều Trị Bao Lâu Thì Khỏi?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm tai giữa ứ dịch đề cập đến tình trạng nhiễm trùng tai giữa đi kèm với hiện tượng ứ dịch sau màng nhĩ. Bệnh lý thường xảy ra ở trẻ từ 1 – 3 tuổi và chia thành các giai đoạn (cấp tính – bán tính – mãn tính). Bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây điếc vĩnh viễn, xơ nhĩ, màng nhĩ xanh vô căn.
Viêm tai giữa ứ dịch là gì?
Viêm tai giữa ứ dịch xảy ra do tình trạng viêm tai khởi phát đồng thời khi màng nhĩ bị đóng kín. Dịch bị ứ đọng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm. Theo các chuyên gia, tình trạng viêm tai giữa ứ dịch ở người trưởng thành thường diễn tiến âm thầm. Đa số các giai đoạn thường không có biểu hiện rõ rệt. Do đó, bệnh chỉ được phát hiện ở giai đoạn sau.
Căn cứ vào thời gian mắc bệnh, mức độ tổn thương và các biểu hiện đi kèm, bệnh lý được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn cấp tính: Đây là giai đoạn các triệu chứng ở mức độ nhẹ, thường khởi phát trong vòng 1 – 3 tuần.
- Giai đoạn bán cấp: Trong giai đoạn này, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng đau nhức tai và sưng. Giai đoạn bán cấp có thể kéo dài từ 4 – 8 tuần.
- Giai đoạn mạn tính: Khi bệnh lý tiến triển đến giai đoạn này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thời gian xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm tai giữa ứ dịch thường trên 3 tháng.
Theo các chuyên gia, để hạn chế rủi ro cũng như các biến chứng phát sinh, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường. Đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ đưa ra.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa ứ dịch
Số liệu thống kê nhận thấy, trường hợp bị viêm tai giữa ứ dịch có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, yếu tố quan trọng nhất gây ra bệnh lý là do cấu trúc, chức năng vòi nhĩ chưa phát triển hoàn chỉnh. Đó cũng là nguyên do các bệnh nhiễm trùng tai thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh lý:
- Tắc vòi nhĩ: Hiện tượng tắc vòi nhĩ có thể khiến dịch tiết bị ứ đọng trong tai và dẫn đến tình trạng ứ dịch.
- Virus: Adenovirus, virus herpes, virus cúm đều có khả năng gây nhiễm trùng và ứ dịch tại ống tai giữa.
- Vi khuẩn: Thống kê nhận thấy, có khoảng 40% trường hợp bị viêm tai ứ dịch là do vi khuẩn xâm nhập. Theo các chuyên gia, khi bị vi khuẩn tấn cống, tai thường có xu hướng tiết dịch để kháng lại khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, mức độ tiết dịch cao có thể vô tình gây ra tình trạng ứ đọng dịch ở trong hòm tai. Một số loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến bao gồm Staphylococcus pneumonia, Haemophilus influenzae, Diphtheroids,…
- Dị ứng: Tình trạng dị ứng tại các mô tai có thể gây phù nề, tăng tiết dịch và dẫn đến tắc vòi nhĩ. Khi bị dị ứng cơ thể sẽ tạo ra kháng thể IgE, đồng thời giải phóng những thành phần trung gian gây viêm như prostaglandin, kinin,… Những yếu tố này làm tăng nguy cơ tắc vòi nhĩ, dẫn đến ứ dịch trong hòm tai.
- Bệnh lý mũi họng: Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm VA,… đều có thể gây chèn ép, ứ dịch ở tai và tắc vòi nhĩ.
- Do tư thế nằm: Thực tế nhận thấy, người có xu hướng nằm ngửa thường dễ bị vi khuẩn tấn công về đường hô hấp hơn. Điều này có thể gây ra các bệnh về tai như viêm tai ngoài, ứ dịch ở tai.
- Ô nhiễm môi trường sống: Người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm thường có nguy cơ mắc các bệnh về tai – mũi – họng cao hơn so với người bình thường.
- Chơi các môn thể thao dưới nước: Việc tham gia các bộ môn thể thao dưới nước như bơi lội, lặn biển thường khiến áp suất trong và ngoài tai thay đổi. Một số người có thể bị đầy tai và chảy dịch sau đó.
Dấu hiệu nhận biết
Tình trạng viêm tai giữa ứ dịch ở người lớn và cả trẻ nhỏ có xu hướng diễn tiến âm thầm. Do là bệnh đa hình thái nên có nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Người bệnh có thể nhận biết bệnh lý thông qua một số biểu hiện chung như sau:
- Có dấu hiệu bị ù tai, nặng và đầy tai hoặc ngứa tai kéo dài
- Suy giảm thính lực, gặp khó khăn trong việc nghe rõ âm thanh hoặc âm thanh quá nhỏ
- Xuất hiện dịch tai có màu vàng hoặc màu nâu, dịch thường có mùi hôi khó chịu
- Người bệnh có thể bị nghẹt mũi hoặc ho kéo dài
- Chóng mặt
Các triệu chứng do bệnh lý gây ra thường không quá nghiêm trọng nên nhiều người thường chủ quan, không tiến hành thăm khám và điều trị. Trong một số trường hợp, viêm tai giữa ứ dịch sẽ tạo điều kiện cho những đợt bội nhiễm và phát sinh triệu chứng cấp tính.
Những biểu hiện này thường tương tự như bệnh viêm tai giữa cấp tính nên thường dễ bị nhầm lẫn và khiến cho việc điều trị không mang lại hiệu quả. Do đó khi nghi ngờ bệnh lý này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán kỹ lưỡng.
Viêm tai giữa ứ dịch có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa ứ dịch có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Theo các chuyên gia, bệnh lý nếu được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc đúng cách có thể kiểm soát hoàn toàn sau 1 – 3 tuần.
Tuy nhiên trường hợp chủ quan, không tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Điếc vĩnh viễn: Đây được xem là biến chứng nguy hiểm nhất do viêm tai ứ dịch gây ra. Biến chứng này tác động trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Biến chứng nhiễm trùng: Người bệnh thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ một bên tai nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài.
- Bị liệt dây thần kinh: Bệnh viêm tai giữa ứ dịch nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến liệt dây thần kinh số 2 hoặc số 7.
- Các biến chứng liên quan đến não: Bệnh lý có thể gây áp xe não, viêm màng não cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Việc điều trị bệnh lý cần được tiến hành sớm và nhanh chóng. Điều này sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được việc mắc phải những biến chứng nguy hiểm do bệnh lý gây ra.
Chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch
Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thăm khám lâm sàng, nội soi tai, đo thính lực, nhĩ lượng,… nhằm xác định nguyên nhân khởi phát, mức độ tổn thương và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể đặt ra một số câu hỏi về thời gian phát sinh triệu chứng cũng như dấu hiệu cụ thể. Đối với trẻ nhỏ, ảnh hưởng của bệnh lý có thể khiến trẻ phản ứng chậm với lời nói, học tập sa sút hay gặp những vấn đề trong quá trình phát triển ngôn ngữ.
Khi thực hiện kỹ thuật nội soi tai của người bệnh sẽ nhìn thấy dịch có màu nâu đen/ vàng nhạt/ xanh/ vàng sẫm. Kế đến, bác sĩ có thể đo nhĩ lượng, thính lực nhằm xác định khả năng nghe của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị viêm tai giữa ứ dịch
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm tai giữa ứ dịch được điều trị toàn diện, bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Trường hợp điều trị nội khoa thất bại, người bệnh sẽ được cân nhắc phẫu thuật để kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nặng nề.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Mục tiêu của phương pháp điều trị này là giúp thông thoáng ống tai, chống phù nề, đồng thời tiêu dịch nhầy.
Một số biện pháp thường được áp dụng trong điều trị nội khoa, bao gồm:
- Sử dụng kháng sinh đường uống (Macrolide, Cephalosporin, Ampicillin,…): Thông thường, liệu pháp kháng sinh được thực hiện trong vòng 7 – 10 ngày để ức chế cũng như tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng tai. Trong trường hợp có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại kháng sinh nào, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để tránh tình trạng phản ứng quá mẫn chéo và dị ứng.
- Thuốc chống phù nề, tiêu dịch nhầy (Maxilase, Mucomys, Rhinathiol): Những loại thuốc này có tác dụng làm dịch nhầy đặc và bớt dính, từ đó tăng dẫn lưu, đẩy dịch ra bên ngoài. Tuy nhiên, những nhóm thuốc này không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, do đó không dùng thuốc cho trẻ dưới độ tuổi này.
- Thuốc kháng viêm corticoid: Trường hợp bị viêm ống tai nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc corticoid với liều 5mg/ kg/ ngày trong 2 – 5 ngày nhằm kiểm soát các triệu chứng.
- Thuốc kháng histamine: Nếu bị viêm tai giữa ứ dịch phát sinh do phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn, người bệnh có thể kê toa thuốc kháng histamine để cải thiện triệu chứng mẫn cảm.
- Thuốc co mạch (Otrivil, Coldi B), nước rửa mũi, nước muối biển: Thuốc được sử dụng tại chỗ để làm thông thoáng đường thở trên.
- Nghiệm pháp Valsava: Nghiệm pháp này được thực hiện bằng cách bịt mũi, mím môi và làm phồng hai bên má để giúp thông vòi nhĩ.
Đối với những trường hợp được phát hiện sớm, những phương pháp điều trị nội khoa thường đáp ứng tốt. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trong điều trị để đạt được kết quả tốt nhất.
2. Can thiệp ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi bệnh viêm tai giữa ứ dịch không đáp ứng các biện pháp bảo tồn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe liên quan như viêm amidan, viêm VA cũng có thể được chỉ định phẫu thuật để kiểm soát bệnh viêm tai ứ dịch.
Một số thủ thuật trong điều trị ngoại khoa, bao gồm:
- Chích rách để dẫn lưu dịch ra bên ngoài
- Đặt ống thông khí qua màng nhĩ
- Nạo cắt VA, amidan tái phát nhiều lần
Hầu hết những trường hợp viêm tai giữa ứ dịch đều được kiểm soát hoàn toàn sau 10 – 20 ngày. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần và có thể để lại một số di chứng vĩnh viễn.
3. Áp dụng một số mẹo chữa tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, người bệnh cũng có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà để cải thiện các triệu chứng do bệnh lý gây ra. Cách chữa này tận dụng các thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn cao, lành tính, hạn chế phát sinh tác dụng phụ. Tuy nhiên, các mẹo chữa tại nhà chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ.
Dưới đây là một số mẹo chữa viêm tai giữa ứ dịch:
- Tận dụng rau diếp cá: Chuẩn bị khoảng 1 nắm rau diếp cá và 3 quả táo đỏ. Các nguyên liệu sau khi rửa sạch thì cho vào nồi đun sôi cùng với 4 chén nước. Đến khi còn khoảng 2 chén thì tắt bếp, chắt lấy phần nước và chia thành nhiều lần uống hết trong ngày. Áp dụng đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
- Dùng phèn chua chữa bệnh: Chuẩn bị phèn chua và ngũ tử bột mỗi loại 50g. Dùng một miếng sắt đem hơ nóng trên lửa rồi cho các nguyên liệu này lên đun đến khi nóng chảy và hòa quyện vào nhau. Khi nguội, hỗn hợp này có dạng khối, đem khối này nghiền nhỏ thành bột. Bảo quản thuốc trong lọ thủy tinh để có thể sử dụng nhiều lần. Mỗi lần dùng, lấy một miếng giấy cuộn lại. Một đầu được trong tai và đầu còn lại để thuốc và thổi vào phía trong tai. Chỉ áp dụng mẹo chữa này đối với người bệnh đã xuất hiện tình trạng chảy dịch. Áp dụng liên tục trong vòng 7 ngày, mỗi ngày từ 2 – 3 lần để đạt được kết quả tốt nhất.
Phòng ngừa viêm tai giữa ứ dịch hiệu quả
Viêm tai giữa và viêm tai giữa ứ dịch là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh mặc dù có thể kiểm soát hoàn toàn nhưng có xu hướng tái phát nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi.
Do đó, bên cạnh điều trị người bệnh cần chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát như:
- Điều trị dứt điểm những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như viêm amidan, cảm cúm, viêm VA,…
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng tai như nước hoa, thuốc xịt tóc, tai nghe, đồ trang sức,…
- Chủ động thăm khám tai – mũi – họng thường xuyên, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ
- Tránh để nước ứ đọng trong tai, bạn có thể sử dụng nút đeo tai khi bơi lội hoặc tắm.
- Ngay khi nhận thấy biểu hiện ù tai, giảm khả năng nghe, bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc, đảm bảo luôn có một không gian sống sạch và thoáng mát.
- Chú ý giữ ấm cơ thể, tránh mắc bệnh cảm cúm, cảm lạnh, nhất là khi thời tiết giao mùa
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin thiết yếu cho cơ thể
- Tăng cường vận động thể dục thể thao để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.
Các triệu chứng và diễn tiến của viêm tai giữa ứ dịch thường chậm và không có tính điển hình cao. Điều này khiến nhiều người bệnh chủ quan và khiến bệnh lý diễn tiến nặng nề hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý các biểu hiện bất thường của cơ thể, chủ động đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết.
Xem Thêm:
- Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Cách Phòng Tránh Hiệu Quả
- Top 10 Thuốc Nhỏ Trị Viêm Tai Giữa Hỗ Trợ Điều Trị Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!