Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây ké đầu ngựa là loại thực vật mọc hoang ở những bụi rậm, bãi đất trống. Theo y học cổ truyền, ké đầu ngựa được tận dụng để làm vị thuốc chữa bệnh xương khớp, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…
Tổng quan về cây ké đầu ngựa
- Tên thường gọi: Ké đầu ngựa
- Tên gọi khác: Thương nhĩ, phắc ma, Mac nháng, Xương nhĩ…
- Tên tiếng Anh: Rough cocklebur, common cocklebur, sheepbur…
- Tên khoa học: Xanthium strumarium L.
- Họ: Cúc (Asteraceae)
1. Đặc điểm, hình dạng nhận biết
Ké đầu ngựa là loại thực vật mọc hoang dại trong tự nhiên. Cây có một vài đặc điểm nhận diện như sau:
- Cây nhỏ, có chiều cao trung bình khoảng 2m, trên thân có nhiều khía rãnh và ít phân cành.
- Thân hình trụ, cứng cáp, màu xanh lục hoặc có lấm chấm màu nâu tím, phủ lông cứng.
- Lá ké đầu ngựa thường mọc so le, có hình tam giác hoặc hình tim. Hai bên mép lá có răng cưa không đều nhau, phủ lông ngắn và cứng ở cả hai mặt.
- Hoa mọc thành từng cụm ở đầu cành hoặc mọc ra từ kẽ lá, có màu lục nhạt.
- Quả ké đầu ngựa hình trứng, mọc hai sừng nhọn ở trên đầu và phủ đầy gai, có màu sáng vàng nâu, chiều dài khoảng 12 – 15mm. Phần hạt bên trong có hình thoi, vỏ mỏng, có màu xám xanh và dễ bong ra để khi bóc vỏ phần quả già.
- Mùa hoa và quả thường kéo dài từ tháng 5 – 8 hằng năm.
Một số hình ảnh cây ké đầu ngựa
2. Phân bố
Ké đầu ngựa là loại cây ưa ẩm và ưa sáng, chúng thường mọc tập trung thành từng đám lớn ở đồng ruộng, bụi rậm hoặc ven đường.
- Trên thế giới: Cây phân bố chủ yếu ở những quốc gia cận nhiệt đới và nhiệt đới như châu Á, châu Âu, châu Phi. Điển hình như ở Trung Quốc, Ấn Độ cho đến các quốc gia khác ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Dương…
- Tại Việt Nam: Cây ké đầu ngựa xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh miền núi có độ cao dưới 1500m, đồng bằng, trung du, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra.
3. Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản
- Bộ phận dùng: Quả ké đầu ngựa, đặc biệt là các quả già. Ngoài ra, toàn bộ phần mọc trên mặt đất gồm cành, lá, thân cũng được thu hái để dùng làm dược liệu.
- Thu hái: Thời điểm thu hoạch ké đầu ngựa thường rơi vào tháng 5 – 9 hằng năm hoặc mùa thu. Đây là thời điểm quả ké đầu ngựa đã già và đạt chất lượng tốt nhất.
- Chế biến: Sau khi được thu hái, rửa sạch, dược liệu sẽ được đem đi phơi hoặc sấ khô nhẹ ở nhiệt độ 40 – 50 độ C để sử dụng dần. Thành phẩm thu được có màu xanh lá, vị ngọt, hơi đắng nhẹ và không có mùi.
- Bảo quản: Ở nơi khô ráo và thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, toàn bộ cây ké đầu ngựa có chứa hàm lượng iod khá cao. Trung bình trong 1g lá hoặc thân có chứa 200µg, 1g quả chứa trung bình 220 – 230µg iod. Riêng những phần trên mặt đất có chứa thành phần 2-hydroxytomentosin-1β, 5β-epoxyd.
Ngoài ra, trong 1 quả ké đầu ngựa có chứa khoảng: 1,27% một chất glucozit gọi là xanthostrumarin tương ứng với chất datixin (chưa rõ tính chất), 30% chất béo, 3,3% nhựa và vitamin C, các glucose, fructose, sucrose, acid hữu cơ, strumarosid…Quả còn chứa tetrahydroxyflavon và stigmasterol…
Trong hạt ké đầu ngựa có chứa chất dầu béo với tỷ lệ cao cùng một vài chất độc có hại cho gia súc như cholin, hydroquinons… Còn trong lá có chứa sesquiterpenlacton ngoài ra còn có các sequiterpenlacton khác cùng một loại khung là xanthin, xanthinosin, xanthalin, xanthanol, isoxanthanol, xanthumanol, desacetoxylxanthumin và một số thành phần khác.
Công dụng của dược liệu ké đầu ngựa
1. Theo y học cổ truyền
Cây ké đầu ngựa là loại dược liệu được có vị đắng, tính ấm, quy vào kinh Phế. Theo y học cổ truyền, dược liệu này được sử dụng để sắc lấy nước uống. Nước thuốc có vị ngọt, tính ôn và có tác dụng tán phong, làm ra hồ hôi, được sử dụng chủ yếu trong điều trị một số bệnh như đau nhức, chứng phong hàn, phong thấp, tê dại, tay chân co giật, mờ mắt, ích khí…
Chính vì vậy, đây là vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nổi mụn nhọt, đau cổ họng, bướu cổ, lở loét, nấm tóc, hắc lào, lỵ, đau răng.
2. Theo y học hiện đại
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học về loại dược liệu này và cho thấy ké đầu ngựa có khả năng:
- Làm giảm cường độ co bóp cơ tim, lợi tiểu, làm giảm thân nhiệt.
- Ké đầu ngựa có khả năng làm giảm đường huyết nhờ thúc đẩy khả năng sản sinh insulin của cơ thể.
- Hoạt chất xanthium có khả năng hỗ trợ ức chế hệ thần kinh, giảm đau, trị mụn nhọt hiệu quả.
- Hoạt chất β–sitosterol- β – D -glucosid giúp tăng khả năng chống viêm, chống viêm, điều trị các bệnh sinh dục niệu và điều hòa nội tiết.
- Ngoài ra, nước ké đầu ngựa còn có khả năng tăng cường nhu động ruột trên động vật.
Liều dùng và cách dùng
- Sử dụng liều tối đa 10 – 16g đối với quả, cành và lá dưới dạng thuốc cao, thuốc sắc.
- Lưu ý khi sử dụng ké đầu ngựa cần kiêng sử dụng kết hợp với thịt heo vì sẽ nổi đỏ khắp cơ thể.
Gợi ý các bài thuốc chữa bệnh hay từ ké đầu ngựa
Dưới đây là một số bài thuốc y học cổ truyền chữa bệnh từ dược liệu ké đầu ngựa bạn nên tham khảo và áp dụng:
1. Chữa bệnh viêm thấp khớp từ ké đầu ngựa
Cách thực hiện
- Chuẩn bị các dược liệu sau: ké đầu ngựa, thổ phục linh, cành dâu, cà gai leo, tỳ giải mỗi loại 12g, hy thiêm và ngưu tất mỗi loại 16g, 10g lá lốt.
- Đem sắc hết các dược liệu đã chuẩn bị cùng 1 lít nước, thu được phần nước thuốc cô đặc uống hết trong ngày.
2. Bài thuốc trị mụn nhọt, ghẻ lở từ ké đầu ngựa
Cách thực hiện
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 200g ké đầu ngựa đã sao vàng cùng 40g củ khúc khác. Đem sắc 2 dược liệu này lấy nước uống hằng ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g ké đầu ngựa và 40g đậu đen xanh lòng sao nóng, vòi voi, thổ phục linh và cây cỏ xước mỡi loại 12g, 20g kim ngân hoa, 8g cam thảo cùng 8g kinh giới. Đem sắc cùng 700ml nước, uống hết trong ngày và uống mỗi ngày một thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị ké đầu ngựa và cây sài đất mỗi loại 10g, 15g bồ công anh, cam thảo đất và kim ngân hoa mỗi loại 5g. Trộn đều rồi chia làm 3 phần bằng nhau để sử dụng 3 buổi trong ngày. Mỗi lần dùng lấy 1 gói ra hãm với nước sôi và uống khi nước còn ấm.
3. Chữa sỏi thận bằng ké đầu ngựa
Cách thực hiện
Cách 1:
- Chuẩn bị 20g ké đầu ngựa, 20g lá lốt, 40g vòi voi và 10g ngưu tất.
- Cho hết số dược liệu này vào ấm hãm với nước sôi. Phần nước thu được chia làm nhiều phần uống trong ngày.
Cách 2:
- Chuẩn bị 12g ké đầu ngựa, 10g thổ phục linh, 40g rễ cỏ xước, 12g ngải cứu, 16g cây nhọ nồi và 30g cỏ hy thiêm.
- Sao vàng các dược liệu rồi sắc lấy nước thuốc uống hằng ngày.
4. Bài thuốc chữa phong thấp
Cách thực hiện
- Chuẩn bị các dược liệu gồm: 12g ké đầu ngựa, 6g xuyên khung, 6g thiên niên kiện, 8g bạch chỉ và 8g kinh giới.
- Cho hết các dược liệu trên vào ấm sắc cùng 800ml nước. Phần nước thuốc thu được chia làm 3 phần uống hết trong ngày.
- Kiên trì áp dụng bài thuốc này cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
5. Bài thuốc chữa chứng phong khi nổi mẩn ngứa
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 8g thương nhĩ tán thành bột, hòa vào rượu ngâm đậu đen uống hằng ngày.
- Kết hợp dùng lá thương nhĩ, lá nghể răm, lá bồ hòn, lá thuốc bỏng nấu nước để tắm và xông.
6. Bài thuốc chữa chứng tay chân co rút, tê thấp
Cách thực hiện: Dùng 12g quả thương nhĩ, giã nát rồi đem sắc lấy nước thuốc uống hằng ngày.
7. Bài thuốc chữa đau răng
Cách thực hiện: Dùng quả thương nhĩ sắc lấy nước để súc miệng. Lưu ý ngậm vào miệng 10 phút rồi nhổ đi, cứ lặp đi lặp lại liên tục nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
8. Bài thuốc chữa bướu cổ
Cách thực hiện
- Dùng quả hoặc phần thân thương nhĩ, phơi khô và đem tán nhuyễn thành bột.
- Mỗi lần dùng khoảng 4 – 5g sắc với nước trong khoảng 15 phút để sử dụng hằng ngày.
9. Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 16g thương nhĩ, 12g hạ khô thảo, 6g bạc hà, 8g tân di kèm theo cát cánh, cam thảo, bạch chỉ mỗi loại 4g.
- Mỗi ngày sắc uống tối đa 1 thang thuốc.
10. Bài thuốc chữa phong hủi
Cách thực hiện
- Dùng quả ké đầu ngựa giã nát, vắt lấy nước cốt, nấu thành cao và làm thành thỏi 320g.
- Dùng một con cá quả mổ bụng, không bỏ ruột và cho thỏi thuốc vào, đem nấu chín với rượu.
- Ăn từ 3 – 5 con và kết hợp kiêng muối 100 ngày sẽ đạt hiệu quả tốt (bài thuốc theo Hải Thượng Lãn Ông).
11. Bài thuốc chữa chứng chảy máu cam
Cách thực hiện: Dùng các dược liệu gồm thương nhĩ, mã đề và thanh cao giã nát, vắt lấy nước cốt uống mỗi khi bị chảy máu cam.
12. Bài thuốc chữa bệnh tổ đỉa
Cách thực hiện:
- Dùng 50g thương nhĩ, 50g hạ khô thảo, 50g thổ phục linh, 30g vỏ núc nác, 30g khổ sâm, 20g sinh địa và 15g hạt dành dành.
- Đem tán nhuyễn các dược liệu thành bột mịn, trộn đều với nhau và hoàn thành viên 5g.
- Mỗi ngày uống từ 20 – 25g để đạt hiệu quả tốt nhất.
13. Bài thuốc chữa nước mũi đặc, trong
Cách thực hiện: Chuẩn bị quả thương nhĩ sao vàng, tán thành bột mịn và sử dụng mỗi ngày 4 – 8g.
14. Bài thuốc chữa viêm xoang nhiễm khuẩn
Cách thực hiện
- Dùng các dược liệu gồm: thương nhĩ, kim ngân, sinh địa mỗi loại 16g, đan bì, mạch môn và huyền sâm mỗi loại 12g cùng 8g tân di.
- Sắc uống mỗi ngày một thang.
15. Bài thuốc giảm đau, trừ thấp
Cách thực hiện
- Cách 1: Dùng 8g thương nhĩ sắc uống hằng ngày. Bài thuốc này giúp hỗ trợ chữa chứng sưng đau tê bại, đau khớp, phong thấp thiên về chứng thấp tà. Ngoài ra, còn dùng cho chứng đau đầu do bị cảm lạnh.
- Cách 2: Dùng 10g thương nhĩ, 10g lá lốt, 20g vòi voi và 10g ngưu tất. Tán dược liệu thành vụn rồi hãm với nước sôi thành trà, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
16. Bài thuốc giúp tiêu phong, hết ngứa
Cách thực hiện:
- Cách 1: Dùng ké đầu ngựa và địa phu tử mỗi loại 8g sắc lấy nước uống hằng ngày. Bài thuốc hỗ trợ trị triệu chứng ngứa do sởi, nổi mụn lở loét.
- Cách 2: Dùng 10g ké đầu ngựa, 10g kim ngân, 10g sài hồ, 10g bồ công anh, 12g kinh giới, 8g bạc hà và 6g cam thảo nam. Sắc lấy nước thuốc uống đều đặn hằng ngày giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy do phát ban, ngứa ngoài da.
17. Bài thuốc giúp tuyên phế, thông mũi
Cách thực hiện
- Cách 1: Dùng 8g thương nhĩ, 12g bạch chỉ, 8g tân di và 4g bạc hà. Sắc lấy nước thuốc uống hằng ngày giúp cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, bệnh phổi chứa thấp trọc.
- Cách 2: Bài thuốc lợi đàm trà sử dụng 12g thương nhĩ, 20g chi tử, 12g tân di và 6g bạc hà. Đem tán các dược liệu cho nhuyễn thành vụn rồi hãm với trà uống mỗi ngày một ấm. Kiên trì sử dụng trong vòng 7 – 20 ngày giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng do viêm mũi xuất tiết, sưng phù niêm mạc mũi, đau đầu…
- Cách 3: Bài thuốc cháo ké bạch chỉ cần chuẩn bị 20g thương nhĩ, 30g hoàng kỳ, 6g bạch chỉ, 10g kinh giới, 4g tế tân cùng 60g gạo tẻ và đường cát trắng. Sắc các dược liệu đã chuẩn bị để lấy nước thuốc, dùng phần nước này nấu cháo, khi cháo mềm nêm đường vào tạo vị ngọt dễ ăn.
Một số lưu ý khi sử dụng ké đầu ngựa để chữa bệnh
Một vài điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu ké đầu ngựa:
- Chống chỉ định sử dụng với phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em. Đặc biệt những người mắc chứng đau đầu do huyết hư không nên sử dụng dược liệu này.
- Các bài thuốc chữa bệnh từ thương nhĩ thường phát huy hiệu quả chậm, tùy theo cơ địa của mỗi người mà hiệu quả sẽ khác nhau.
- Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ thương nhĩ người bệnh cần kiêng dùng thịt heo.
- Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thương nhĩ như mệt mỏi, đầu nhẹ, tiêu chảy… Vì vậy, cần chú ý theo dõi quan sát phản ứng của cơ thể sau khi sừ dụng thương nhĩ để có hướng xử lý kịp thời.
- Chỉ sử dụng thương nhĩ còn tươi hoặc đã sấy khô, không dùng quả đã mọc mầm vì sẽ chứa độc tính gây hại cho sức khỏe.
- Hiện nay, có rất nhiều cơ sở cung cấp dược liệu ké đầu ngựa không đảm bảo chất lượng. Bạn cần chú ý chọn lựa nơi bán uy tín để đảm bảo đạt hiệu quả khi áp dụng các bài thuốc cũng như hạn chế tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ké đầu ngựa là dược liệu dùng trong trị bệnh, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng được. Tốt nhất, người bệnh cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng và tuân thủ liều dùng, cách dùng nếu được chỉ định thực hiện các bài thuốc từ loại dược liệu này.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!