Huyệt Tam Âm Giao: Vị Trí, Công Năng Và Ứng Dụng Trị Bệnh
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênY học cổ truyền đánh giá rất cao những công dụng mà huyệt Tam Âm Giao mang lại cho sức khỏe. Vậy cụ thể, huyệt đạo này có khả năng điều trị những bệnh lý gì? Có những liệu pháp nào để tác động khai thông huyệt an toàn và hiệu quả? Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ giải đáp ngay sau đây.
Giới thiệu tổng quan về huyệt Tam Âm Giao
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tên huyệt, các đặc tính nổi bật cũng như biết rõ về vị trí huyệt Tam Âm Giao.
Huyệt Tam Âm Giao là gì?
Huyệt Tam Âm Giao có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh. Sở sĩ tên gọi của huyệt xuất phát từ vị trí là nơi hội tụ của 3 kinh tâm tại chân gồm Can – Tỳ – Thận. Ngoài ra, huyệt còn được biết đến với nhiều tên khác như huyệt Đại Âm, huyệt Hạ Tam Lý, huyệt Thừa Mạng Thừa Mệnh.
Mỗi huyệt đạo sẽ có những đặc tính riêng và huyệt Tam Âm Giao cũng vậy. Cụ thể như sau:
- Huyệt thứ 6 của kinh Tỳ.
- Huyệt hội của 3 kinh Can – Thận – Tỳ.
- Nằm trong bộ “Lục Tổng Huyệt” chuyên trị vùng bụng dưới.
- Một trong nhóm “Hồi Dương Cửu Châm”, có tác dụng phục hồi Dương khí.
- Là nơi Âm khí hội tụ (vì vậy tuyệt đối không châm huyệt khi đang có thai).
Cách xác định vị trí huyệt Tam Âm Giao thế nào?
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình khai thông trị bệnh, điều kiện tiên quyết là tìm được chính xác huyệt Tam Âm Giao nằm ở đâu. Trong Y thư cổ ghi chép, huyệt nằm ở bờ sau phía trong của xương chày, xác định bằng cách đo từ đỉnh cao của mắt cá chân lên phía trên 3 thốn. Khi giải phẫu vị trí huyệt đạo này sẽ thấy những đặc điểm như:
- Dưới da huyệt đạo là bờ sau – rong xương chày, bờ trước của cơ gấp dài các ngón chân và cả cơ cẳng chân sau.
- Thần kinh vận động cơ vùng huyệt chính là nhánh của dây chày sau.
- Da vùng huyệt đạo sẽ do tiết đoạn thần kinh L4 chi phối.
Xem thêm: Huyệt Dũng Tuyền Ở Đâu? Tìm Hiểu Công Dụng, Cách Bấm Huyệt
Huyệt Tam Âm Giao có tác dụng gì?
Có vị trí nằm tại điểm hội tụ của 3 kinh tâm tại chân gồm Can – Tỳ – Thận nên huyệt Tam Âm Giao có tác dụng quan trọng, giúp bổ Âm, kiện Tỳ, hóa thấp, khu phong, thông khí trệ, điều huyết, ích Thận, sơ Can. Chi tiết về tác dụng của huyệt được ghi chép trong các tài liệu Y học cổ truyền như sau:
Điều hòa thần kinh
Một trong những tác dụng của huyệt Tam Âm Giao chính là điều hòa thần kinh. Bởi theo Y học cổ truyền, mỗi dạng cảm xúc âm tính kéo dài đều sẽ làm tổn thương đến Can khí, dẫn tới tình trạng can khí uất, gây nhiều bệnh lý về thần kinh như rối loạn cảm xúc, thường xuyên nóng giận,…
Trong khi đó, huyệt Tam Âm Giao có khả năng giải khí uất của Can khí. Nhờ đó, khi bấm huyệt đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tâm lý biến đổi bất thường này.
Công dụng huyệt Tam Âm Giao trong dưỡng âm
Huyệt đạo Tam Âm Giao chính là giao điểm của 3 đường kinh âm ở chân, nên có khả năng tác động trực tiếp đến hoạt động của Can – Tỳ – Thận, đặc biệt là điều huyết, thông trí tuệ, hỗ trợ vận hóa.
Đối với hạ tiêu, huyệt đạo giúp điều hòa chức năng của bàng quang, chữa các bệnh lý nam – phụ khoa và bệnh đường tiết niệu. Ngoài ra, đối với trường hợp mất ngủ do hao tổn huyết âm cũng sẽ được cải thiện với các liệu áp y học ứng dụng huyệt Tam Âm Giao.
Tăng cường chuyển hóa, hỗ trợ giải độc cơ thể
Bên cạnh khả năng điều hòa thần kinh và dưỡng âm, huyệt Tam Âm Giao còn được ứng dụng trong dưỡng sinh nhằm tăng cường chức năng hệ tiêu hóa và giải độc, thanh lọc cơ thể.
Công dụng này dựa trên hệ thống lý luận của Y học phương Đông. Theo đó, huyệt đạo nằm trên đường kinh của phủ tạng nào sẽ có tác dụng điều trị các chứng bệnh trên đường kinh của tạng phủ đó. Huyệt Tam Âm Giao nằm tại giao điểm của 3 đường kinh Can – Tỳ – Thận nên sẽ giúp điều hòa những rối loạn tại đây.
Chính nhờ công dụng này nên các thầy thuốc thường sử dụng huyệt trong điều trị rối loạn tạng phủ, thanh lọc cơ thể, giúp tăng cường lưu thông máu và tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ điều trị chứng mề đay, mẩn ngứa hiệu quả.
Hướng dẫn kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt và ứng dụng trong trị bệnh
Huyệt Tam Âm Giao được ứng dụng phổ biến trong Y học cổ truyền với mục đích hỗ trợ điều trị các bệnh lý. Nhưng tác động thế nào để hiệu quả đạt được tốt nhất? Dưới đây Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc cung cấp thông tin về 2 liệu pháp khai thông huyệt thường được thầy thuốc, bác sĩ áp dụng. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết các ứng dụng huyệt trong điều trị từng bệnh lý cụ thể.
Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt Tam Âm Giao trị bệnh
Bấm huyệt và châm cứu là 2 liệu pháp khai thông huyệt Tam Âm Giao hiệu quả và an toàn hiện nay. Cả 2 liệu pháp này đều có cơ chế chung là nhờ các tác động lực vào huyệt vị giúp khai thông khí huyết và thông kinh hoạt lạc, kích thích cơ chế chữa lành của cơ thể.
Hướng dẫn chi tiết cách bấm huyệt Tam Âm Giao
Phương pháp bấm huyệt đạo Tam Âm Giao rất đơn giản, với những bước đơn giản được hướng dẫn sau đây, người bệnh hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà để hỗ trợ điều trị bệnh lý đang gặp.
- Bước 1: Ngồi trong tư thế thoải mái, đồng thời xác định vị trí huyệt Tam Âm Giao ở đâu.
- Bước 2: Dùng 1 tay nắm giữ cổ chân, dùng đầu ngón tay của bàn tay còn lại day bấm lên huyệt theo vòng tròn với lực vừa phải.
- Bước 3: Day bấm huyệt theo chiều kim đồng hồ, thực hiện liên tục từ 3 – 5 phút. Nếu mỏi tay có thể dừng lại nghỉ 1 phút, sau đó tiếp tục thực hiện 1 lần nữa theo chiều ngược lại. Nhưng lưu ý không nhấc tay khỏi huyệt đạo trong suốt quá trình bấm huyệt.
Châm cứu huyệt đạo
Châm cứu huyệt đạo là phương pháp dành riêng cho thầy thuốc, bác sĩ hoặc người có chuyên môn và kinh nghiệm. Người bệnh không tự ý thực hiện tại nhà vì rủi ro châm sai cách, sai độ sâu và sai vị trí có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm.
- Bước 1: Để người bệnh ngồi tư thế thoải mái, sau đó áp dụng cách xác định huyệt Tam Âm Giao chuẩn xác.
- Bước 2: Khử trùng kim châm, sau đó châm vào huyệt đạo theo hướng thẳng đứng, độ sâu của kim từ 1 – 1.5 thốn. Có thể châm xuyên từ huyệt đạo Tam Âm Giao sang huyệt đạo tuyệt cốt. Nếu trị bệnh ở chân sẽ điều chỉnh hướng mũi kim từ phía trước ra phía sau, nếu điều trị bệnh toàn thân sẽ châm mũi kim hướng từ phía dưới lên phía trên,
- Bước 3: Cứu từ 5 – 7 tráng, ôn cứu thời gian từ 10 – 20 phút.
Ứng dụng huyệt trong trị bệnh
Để ứng dụng huyệt đạo Tam Âm Giao trong cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả và an toàn, người bệnh sẽ áp dụng phương pháp day bấm huyệt đạo. Nguyên tắc chung khi khi tác động là day bấm theo chuyển động tròn. Với mỗi bệnh sẽ có sự khác biệt về tần suất và thời điểm bấm như sau:
Bệnh huyết áp
Trong tài liệu Y học cổ truyền ghi chép huyệt Tam Âm Giao có khả năng hỗ trợ điều trị rối loạn huyết áp rất tốt. Khi người bệnh có cảm giác huyết áp tăng quá cao huyệt hạ quá thấp, có thể tự day ấn huyệt theo nguyên tắc chung, nhưng chú ý những vấn đề sau:
- Day bấm huyệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ – 13 giờ vì lúc này tim hoạt động tốt nhất.
- Duy trì thực hiện phương pháp này từ 2 – 3 tháng để chỉ số huyết áp ổn định trở lại.
Bệnh hiếm muộn, yếu sinh lý
Đây là tình trạng không ít cặp đôi gặp phải. Bên cạnh sử dụng các phương pháp Tây y, thầy thuốc khuyến nghị day bấm huyệt Tam Âm Giao mỗi ngày để cải thiện tình trạng này. Bởi huyệt đạo này có tác động tới can, tỳ và thận, giúp kích thích sinh sản và hỗ trợ điều trị yếu sinh lý. Tùy từng chứng bệnh, quá trình day ấn có những điểm riêng biệt.
- Nam giới, nữ giới suy giảm ham muốn: Bấm huyệt Tam Âm Giao 20 phút, trong khoảng thời gian từ 17 giờ – 19 giờ. Day ấn đều đặn mỗi ngày sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt.
- Chứng lạnh buồng trứng, tử cung: Tiến hành day ấn vào huyệt đạo vào thời điểm từ 17 giờ – 19 giờ, nhưng mỗi lần chỉ thực hiện trong 15 phút tại mỗi chân để điều hòa lại hoạt động của tử cung và buồng trứng.
Bên cạnh đó, khi day ấn huyệt đều đặn cũng sẽ giúp nữ giới loại bỏ tình trạng khí hư ra nhiều, chứng sa tư cung,…
Bấm huyệt Tam Âm Giao giúp điều hòa kinh nguyệt
Nữ giới gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, chậm kinh, thường xuyên đau bụng kinh có thể thực hiện phương pháp day bấm huyệt Tam Âm Giao. Huyệt đạo có tác dụng lưu thông khí huyết, giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng này hiệu quả.
- Day bấm huyệt trong thời gian từ 21 giờ – 21 giờ mỗi ngày.
- Thực hiện day bấm trong 15 phút. Đều đặn áp dụng trong 1 tháng sẽ thấy rõ tác dụng.
Giúp làm đẹp da
Theo thời gian, làn da của nữ giới bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn lão hóa. Để cải thiện tình trạng này, chị em nên thường xuyên bấm huyệt đạo Tam Âm Giao để ngăn ngừa nguy cơ da chảy xệ và duy trì sự săn chắc cho làn da.
- Bấm huyệt sau 21 giờ, mỗi lần bấm trong 20 phút.
- Bên cạnh đó, cần kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh, khoa học cho sức khỏe, vóc dáng và làn da khỏe mạnh.
Trị mề đay mẩn ngứa
Bên cạnh những tác dụng trên, thầy thuốc Đông y cho biết day bấm huyệt còn giúp điều trị mề đay mẩn ngứa hiệu quả. Bởi tình trạng này xảy ra chủ yếu do độc tố tích tụ trong gan lâu ngày phát ra. Lúc này, người bệnh thực hiện day ấn huyệt trong 20 phút vào buổi sáng và buổi tối để loại bỏ độc tố và các chất cặn bã khỏi cơ thể là được.
Phối huyệt Tam Âm Giao nâng cao công năng chữa bệnh
Ít ai biết rằng, các công dụng của huyệt Tam Âm Giao có thể được nâng cao hiệu quả hơn khi huyệt đạo được phối cùng những huyệt tương hợp. Lý giải điều này, chuyên gia Y học cổ truyền cho biết, các huyệt đạo trên cơ thể đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu biết cách lựa chọn phối hợp sẽ giúp tăng cường hiệu quả khi tác dụng. Đối với huyệt Tam Âm Giao, trong Y thư cổ đã ghi chép chi tiết cách phối như sau:
- Phối cùng huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty 9) có tác dụng điều trị đi ngoài ra phân sống (theo Giáp Ất Kinh).
- Phối cùng huyệt Âm Cốc (Th 10) + huyệt Giao Tín (Th 8) + huyệt Thái Xung (C 3) điều trị lậu huyết không cầm (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt Thái Xung (C 3) điều trị sinh khó (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Quan Nguyên (Nh 4) + huyệt Tâm Du (Bq 15) + huyệt Thận Du (Bq 23) điều trị bạch trọc, di tinh (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Bạch Hoàn Du (Bq 30) + huyệt Chiếu Hải (Th 6) + huyệt Quan Nguyên (Nh 4) + huyệt Thái Khê (Th 3) điều trị di tinh, bạch trọc, tiểu rắt (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Tuyệt Cốt (Đ 39) + huyệt Côn Lôn (Bq 60) điều trị bệnh ở phần trên gót chân (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Ngoại Quan (Ttu 5) + huyệt Phong Thị (Đ 31) + huyệt Thủ Tam Lý (Đtr 10) điều trị tay chân đau do phong thấp (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị kinh nguyệt đoạn tuyệt (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Khí Hải (Nh 6) + huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị kinh nguyệt không đều (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Khí Hải (Nh 6) điều trị bạch trọc, di tinh (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) + huyệt Tuyệt Cốt (Đ 39) điều trị chân đau nhức mạn (theo Ngọc Long Kinh).
- Tam cùng huyệt Âm Giao (Ty 6) (tả) phối bổ Hợp Cốc (Đtr 4) điều trị ho do lạnh (theo Tịch Hoằng Phú).
- Phối cùng huyệt Chiếu Hải (Th 6) + huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Nhân Trung (Đ 26) + huyệt Tam Âm Giao (Ty 6) + huyệt Túc Lâm Khấp (Đ 41) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị tay chân và mặt sưng phù (theo Châm Cứu Đại Toàn).
- Phối cứu huyệt Đại Đôn (C 1) điều trị sán khí do hàn, thấp nhiệt (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt Chi Câu (Ttu 6) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị phụ nữ kinh nguyệt không đến (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) điều trị sinh khó, sinh ngược (theo Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Đại Lăng (Tb 7) + huyệt Trung Quản (Nh 12) điều trị bỉ khối đau tức (theo Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Âm Cốc (Th 10) + huyệt Đại Đôn + huyệt Khí Hải (Nh 6) + huyệt Nhiên Cốc + huyệt Thái Xung (C 3) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị băng huyết (theo Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Bá Lao + huyệt Cao Hoang (Bq 43) + huyệt Đan Điền (Nh 6) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Trung Cực (Nh 3) + huyệt Tuyệt Cốt (Đ 39) + huyệt Tử Cung điều trị băng huyết không cầm (theo Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối cùng huyệt Thừa Sơn (Bq 57) điều trị trong ngực đầy tức (theo Thọ Tinh Bí Quyết).
- Phối cùng huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + huyệt Ẩn Bạch (Ty 1) + huyệt Chương Môn (C 13) + huyệt Công Tôn (Ty 4) + huyệt Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + huyệt Đại Chùy (Đc 14) + huyệt Điều Khẩu (Vi.38) + huyệt Khí Xung (Vi.30) + huyệt Phế Du (Bq 13) + huyệt Phù Khích (Bq 38) + huyệt Thái Uyên (P 9) + huyệt Thiên Phủ (P 3) + huyệt Thượng Quản (Nh 13) + huyệt Toàn Trúc (Bq 2) điều trị mất ngủ (theo Thần Ứng Kinh).
- Phối cùng huyệt Chi Câu (Ttu 6) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị kinh nguyệt không đều (theo Thần Ứng Kinh).
- Phối cùng huyệt Hành Gian (C 2) + huyệt Phục Lưu (Th 7) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị chân không đi được (theo Châm Cứu Phùng Nguyên).
- Phối cùng huyệt Chi Câu (Ttu 6) + huyệt Khúc Trì (Đtr 11) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị kinh nguyệt không thông (theo Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt Nội Quan (Tb 6) + huyệt Thái Xung (C 3) điều trị lưỡi nứt, lưỡi chảy máu (theo Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
- Phối cùng huyệt Trung Quản (Nh 12) + huyệt Nội Quan (Tb 6) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị mạch máu bị tắc (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Quy Lai (Vi.29) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) điều trị dịch hoàn sa (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Quan Nguyên (Nh 4) điều trị tiểu dầm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Huyết Hải (Ty 10) + huyệt Khí Hải (Nh 6) + huyệt Quan Nguyên (Nh 4) điều trị kinh nguyệt không đều (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Thủy Đạo (Vi.28) + huyệt Hoành Cốt (Th 11) + huyệt Kỳ Môn (C 14) điều trị kinh bế (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cứu huyệt Thủy Phân (Nh 9) điều trị bụng trướng (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Ủy Trung (Bq 40) [xuất huyết] điều trị tiểu khó (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Bàng Quang Du (Bq 28) [cứu] điều trị tiểu khó, tiểu rắt (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Khí Hải (Nh 6) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị kinh bế (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Trung Quản (Nh 12) + huyệt Khí Hải (Nh 6) điều trị kinh nguyệt quá kỳ, đau bụng dưới kèm có máu tím bầm, có cục (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Thận Du (Bq 23) + huyệt Hợp Cốc (Đtr 4) điều trị sinh khó (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Quan Nguyên (Nh 4) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị sinh xong bị huyết vận (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + huyệt Bàng Quang Du (Bq 28) + huyệt Trung Cực (Nh 3) điều trị bí tiểu do thấp nhiệt (theo Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Tùy thuộc mục đích sử dụng huyệt Tam Âm Giao chữa bệnh gì, các thầy thuốc sẽ lựa chọn kết hợp các huyệt đạo phù hợp, đảm bảo hiệu quả và an toàn. Vậy nên, người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà mà cần tới phòng khám hoặc các cơ sở Y học cổ truyền uy tín để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và áp dụng liệu pháp tốt nhất.
Lưu ý an toàn khi khai thông Tam Âm Giao huyệt trị bệnh
Phương pháp ứng dụng huyệt Tam Âm Giao trong điều trị bệnh mang đến hiệu quả rất tốt. Nhưng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc khuyến nghị người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc dưới đây.
- Đảm bảo xác định huyệt Tam Âm Giao chính xác, bởi nếu tác động sai vị trí có thể dẫn đến những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
- Tuyệt đối không tự ý châm cứu hoặc phối huyệt đạo tại nhà. Những liệu pháp này cần được thầy thuốc trực tiếp thực hiện để đảm bảo đúng kỹ thuật, hạn chế tối đa những sai sót ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
- Nếu bạn tự bấm huyệt tại nhà, bên cạnh xác định đúng vị trí, cần điều chỉnh lực đạo vừa phải. Nếu lực quá yếu sẽ không mang lại tác dụng điều trị bệnh, nhưng nếu lực quá mạnh sẽ làm huyệt Tam Âm Giao bị đau.
- Khi châm cứu, cần đảm bảo kim châm đã được sát khuẩn, vô trùng sạch sẽ. Đồng thời sau khi rút kim cũng cần lưu ý giữ sạch vị trí huyệt đạo vừa châm cứu để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
- Không châm cứu, bấm huyệt khi cơ thể đang trong tình trạng quá no hoặc quá đói. Đồng thời người bệnh lưu ý không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích trước và sau khi tiến hành liệu pháp điều trị.
- Trong quá trình châm cứu, bấm huyệt, nếu cơ thể xuất hiện trạng thái bất thường như toát nhiều mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt,… cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý cần thiết.
- Các phương pháp điều trị Y học cổ truyền nói chung và châm cứu, bấm huyệt nói riêng cần 1 thời gian để phát huy tác dụng. Thông thường, một liệu trình điều trị sẽ kéo dài trong 1 – 2 tháng. Vậy nên, người bệnh cần kiên trì thực hiện, đảm bảo theo hết liệu trình, không ngắt quãng, không bỏ giữa chừng.
- Liệu pháp châm cứu, bấm huyệt mang đến hiệu quả điều trị tốt, nhưng không phải ứng dụng được trên tất cả mọi người. Những đối tượng không thể thực hiện các liệu pháp này gồm phụ nữ đang mang thai, người bị rối loạn đông máu, trẻ nhỏ, người bị suy gan thận, người bị nhiễm trùng máu.
- Song song với phác đồ điều trị cùng châm cứu, bấm huyệt, người bệnh cần xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên để tăng cường đề kháng, hỗ trợ cải thiện sức khỏe nhanh chóng.
Trên đây là thông tin chi tiết liên quan đến các khía cạnh của huyệt Tam Âm Giao. Không thể phủ nhận những tác dụng tuyệt vời mà huyệt đạo mang lại cho sức khỏe. Nhưng người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng theo những nguyên tắc chung chuyên gia chia sẻ.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!