Trào Ngược Dạ Dày Mãn Tính – Nguyên Nhân, Giải Pháp
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Trào ngược dạ dày mãn tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây bệnh là do đâu và khắc phục bằng cách nào cho hiệu quả? Các thông tin này sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Chuyên gia giải đáp – Trào ngược dạ dày mãn tính là gì?
Trào ngược dạ dày là hiện tượng dịch vị acid dư thừa trong dạ dày bị đẩy ngược trở lại thực quản hoặc khoang miệng. Nếu hiện tượng này không được điều trị dứt điểm sẽ khiến bệnh tái lại nhiều lần dẫn đến trào ngược dạ dày mãn tính. Lúc này, sẽ khó để điều trị và có nguy cơ biến chứng có hại cho sức khỏe. Do vậy, người bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp để bệnh không gia tăng.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày mạn tính
Nhận biết các triệu chứng của trào ngược dạ dày không khó. Người bệnh sẽ thường xuyên gặp hiện tượng ợ nóng, ợ chua trào ngược dạ dày, ợ hơi kèm các dấu hiệu khác như:
- Trào ngược dạ dày buồn nôn, nôn.
- Khó tiêu.
- Đau tức ngực.
- Đầy hơi trào ngược dạ dày, chướng bụng.
- Khó thở.
- Đắng miệng do acid bị đẩy trào ngược lên khoang miệng.
- Trào ngược dạ dày gây viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, ngứa họng, ho…
- Tiết nhiều nước bọt trong miệng, thường xuyên chảy dãi trong khi ngủ.
- Có cảm giác nghẹn ở cổ họng, khó nuốt, nuốt vướng.
Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược
Bên cạnh các nguyên nhân chung như thói quen sinh hoạt không đúng cách, sử dụng chất kích thích và chế độ dinh dưỡng không phù hợp thì lý do khiến trào ngược dạ dày trở thành mãn tính là:
- Uống thuốc sai chỉ dẫn của bác sĩ: Nếu không tuân thủ liều lượng, dùng thuốc sai chỉ dẫn sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng. Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc theo kinh nghiệm, tuy nhiên, tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi người là khác nhau, các bác sĩ sẽ điều trị theo lộ trình riêng. Vì vậy, việc không tuân thủ phác đồ điều trị sẽ khiến bệnh không khỏi hoàn toàn, thậm chí trở nên trầm trọng hơn.
- Bệnh tái lại nhiều lần: Việc thiếu kiên nhẫn trong điều trị, tự ý ngưng sử dụng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm mà không hỏi ý kiến bác sĩ là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dễ tái lại. Do đó, việc điều trị không dứt điểm sẽ khiến bệnh chuyển sang giai đoạn trào ngược dạ dày mãn tính, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
- Do tâm lý chủ quan của người bệnh: Khi có các dấu hiệu ban đầu của của trào ngược dạ dày, người bệnh thường chủ quan không đi khám với suy nghĩ bệnh sẽ tự hết. Chính điều này sẽ khiến bệnh gia tăng, trở nặng, lâu ngày diễn tiến thành bệnh mãn tính, làm cho việc điều trị gặp khó khăn, phức tạp hơn.
Các biến chứng thường gặp do trào ngược
Khi diễn tiến thành mãn tính, trào ngược dạ dày không chỉ gây phiền toái đến sinh hoạt hàng ngày mà còn khiến người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng như:
- Viêm, loét thực quản: Là một trong những biến chứng thường gặp nhất do acid trào ngược lên thực quản thường xuyên gây ăn mòn niêm mạc, làm viêm loét thực quản. Biến chứng này khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, khó nuốt, đau vùng sau xương ức.
- Hẹp thực quản: Hình thành khi các vết loét lâu ngày không được điều trị, tạo thành những mô sẹo, tích tụ lại và chiếm diện tích của thực quản gây cảm giác vướng nghẹn ở cổ.
- Các vấn đề về hô hấp: Người bệnh xuất hiện cảm giác ho, viêm phế quản, viêm xoang, chảy nước mũi, viêm phổi… do acid trào ngược lâu ngày gây ra.
- Barrett thực quản: Tuy không thường gặp nhưng đây là biến chứng gây nguy hiểm khiến người bệnh thường xuyên đau tức ngực, khó nuốt, tế bào mô thực quản tấy đỏ. Biến chứng này không có biểu hiện rõ ràng, chỉ có thể xác định thông qua nội soi thực quản.
- Ung thư thực quản: Biến chứng nguy hiểm này thường gặp ở người bị trào ngược mãn tính trong độ tuổi trên 50. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy máu thực quản, khàn tiếng, đau sau xương ức kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân…
Cách khắc phục bệnh lý trào ngược dạ dày mãn tính
Trào ngược dạ dày mãn tính là tình trạng bệnh đã diễn tiến ở thể nặng. Do đó, việc điều trị sẽ phức tạp hơn và khó có thể điều trị dứt điểm. Lúc này, người bệnh cần đến khám bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Thông thường, tùy vào cấp độ của trào ngược dạ dày mà có thể áp dụng một số phương pháp như:
Có chế độ ăn uống khoa học
Với những người bị trào ngược dạ dày ở mức độ nhẹ thì việc thay đổi nếp sống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh khá hiệu quả. Người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nạp các loại thực phẩm tốt cho cơ thể và ăn uống khoa học gồm:
- Tránh các loại thực phẩm như bạc hà, socola, cà chua, đồ ăn cay nóng, chất béo từ các món ăn chiên rán, thịt mỡ, đồ uống chứa cồn như rượu, bia, hạn chế dùng cafein, các loại thực ăn lên men như dưa muối chua, kim chi…
- Tăng cường bổ sung các loại ngũ cốc, bánh mì, chuối, rau xanh, trái cây tươi… để giảm áp lực cho dạ dày.
- Không nên nằm ngay sau khi ăn no, các bác sĩ khuyên người bị trào ngược dạ dày mãn tính nên ăn trước 8 giờ tối và nên đi ngủ sau bữa ăn ít nhất 3 giờ đồng hồ.
- Tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được nghiền nát trước khi xuống dạ dày, giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, hạn chế tăng tiết acid dạ dày. Từ đó cải thiện hiện tượng trào ngược thực quản một cách hiệu quả.
- Thay vì ăn quá no hoặc quá nhiều một lúc khiến dạ dày bị quá tải, hãy chia nho bữa ăn trong ngày. Nên ăn với một lượng vừa phải và nhiều lần trong ngày để dạ dày có thời gian nghỉ ngơi, hạn chế việc phải co bóp quá nhiều.
Thay đổi lối sống lành mạnh
Xây dựng lối sống lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe từ bên trong mà còn giúp bạn giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày bằng cách:
- Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân là một trong những lý do khiến thành dạ dày chịu áp lực, những cơn trào ngược cũng vì thế mà sẽ xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, hãy có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để điều chỉnh cân nặng.
- Nói không với rượu, bia: Trong rượu bia có chứa một lượng cồn lớn gây kích ứng với dạ dày. Dịch vị acid dư thừa được sản sinh nhiều, gây trào ngược đến thực quản. Muốn điều trị dứt điểm bệnh, hãy nói không với các chất kích thích, đồ uống có gas.
- Mặc quần áo thoải mái: Mặc quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên vùng bụng, cơ vòng thực quản. Đây có thể là tác nhân khiến trào ngược dạ dày trở nặng thêm. Do đó, hãy chọn những bộ trang phục thoải mái, thoáng mát để cơ thể dễ chịu, giảm khó chịu do trào ngược.
- Giữ tinh thần luôn thư giãn: Các nghiên cứu chuyên khoa cho thấy, tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Tinh thần thoải mái, không căng thẳng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.
- Nằm đúng tư thế khi ngủ: Người bị trào ngược dạ dày nên gối đầu cao hơn phần ngực, bụng khi ngủ để hạn chế việc acid dạ dày trào ngược trở lại. Tuy nhiên, bạn cũng không nên gối quá cao vì có thể gây ảnh hưởng đến khớp cổ, lưng.
- Từ bỏ việc hút thuốc lá: Khói thuốc lá khiến tình trạng trào ngược dạ dày trở nên nặng thêm do làm giảm hoạt động của cơ vòng thực quản. Bên cạnh đó, hút thuốc là còn làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh. Vì vậy, hãy bỏ thuốc là để bảo vệ dạ dày, đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh.
- Luyện tập thể dục thể thao: Đây là cách giúp tăng cường thể lực nói chung và sức khỏe của dạ dày thực quản nói riêng. Người bệnh nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ với tần suất 3 đến 4 lần mỗi tuần. Cần lưu ý nên tập luyện sau bữa ăn ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Sử dụng Tây y điều trị bệnh
Với phương pháp chữa bệnh bằng Tây y, các bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng, tình trạng của bệnh để kê loại thuốc chữa trào ngược dạ dày phù hợp.
- Dùng thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc nhu Gaviscon, Maalox, Mylanta, Delusil, Rolaids, Tums. Dù vậy, các loại thuốc này không có tác dụng chữa lành các tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Việc lạm dụng thuốc còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy.
- Thuốc giảm tiết acid: Loại thuốc này còn có tên gọi là thuốc chẹn H2 gồm có Cimetidine (Tagamet HB), Nizatidine (Axid AR), Famotidine (Pepcid AC) và ranitidine (Zantac 75). Nhóm thuốc này tuy không đem lại hiệu quả tức thời với các triệu chứng của bệnh nhưng sẽ đem lại hiệu quả lâu dài rõ rệt.
- Thuốc ức chế bơm proton: Đây là thuốc có tác dụng ngăn chặn acid trào ngược, thường được chỉ định dùng trong 2 tuần để giảm các triệu chứng của bệnh và phục hồi niêm mạc thực quản.
Đông y điều trị trào ngược dạ dày mãn tính
Khác với Tây y, Đông y chú trọng vào trị gốc rễ, nguyên nhân gây bệnh. Cách chữa này thường đơn giản, an toàn và cần sự kiên nhẫn trong điều trị.
Bài thuốc 1:
- Nguyên liệu: Sài hồ 12g, Xuyên khung 08g, Cam thảo 06g, Hương phụ 10g, Chỉ xác 08g, Thanh bì 08g, Bạch thược 12g, Lá khôi 10g.
- Cách sắc thuốc: Rửa sạch các nguyên liệu đã chuẩn bị, để ráo nước. Đem sắc cùng 1,5 lít nước và đun cho tới khi nước cạn. Lọc bỏ bã và chia thuốc thành 3 phần uống trong ngày.
Bài thuốc 2:
- Nguyên liệu: Nhân sâm 15g, Can khương 30g, Thục tiêu 10g, Di đường 100g.
- Cách sắc thuốc: Sắc 1 thang thuốc với khoảng 1,2l nước, lọc bỏ bã lấy 150ml đun sôi hòa với Di đường, quấy cho tan đều, chia làm 3 phần và uống trong ngày, không để qua ngày hôm sau.
Một số lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh
Để đảm bảo hiệu quả trong điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày mãn tính bạn cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng sau:
- Uống thuốc và nghỉ ngơi theo đúng chỉ dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng.
- Cần kiên nhẫn sử dụng hết thuốc để bệnh được điều trị triệt để, ngăn ngừa tái phát bệnh.
- Trong quá trình điều trị nếu có bất thường cần hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng điều chỉnh phù hợp.
- Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng và xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Trên đây là các thông tin chi tiết về bệnh trào ngược dạ dày mãn tính cũng như một số phương pháp giúp điều trị bệnh hiệu quả. Người bệnh nên đến khám bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh để được can thiệp và xử lý kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!